Cập nhật ngày: 4/28/2021 2:24:06 AM
GIỚI THIỆU SÁCH
Trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú của đất nước ta được 54 tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam gây dựng nên có một phần không nhỏ thuộc về người Chăm. Cũng như nhiều dân tộc khác, trong quá trình tồn tại và phát triển, người Chăm đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa lớn, có tầm cỡ quốc tế và khu vực Đông Nam Á. Một trong những giá trị lớn, nổi bật mà người Chăm để lại cho văn hóa Việt Nam còn lại đến nay là những di tích văn hóa vật thể như đền tháp, thành lũy, các tác phẩm điêu khắc đá, các tấm bia kỷ, mộ táng và các công trình dẫn thủy. Những di tích vật thể này hiện được nhà nước ta bảo tồn, tôn tạo và đang phát huy tác dụng tích cực trong đời sống đương đại.
Trên lãnh thổ Việt Nam, có một vùng đất nằm ở đoạn thắt lại thuộc miền Trung của giang sơn hình chữ S là Quảng Trị. Trong diễn trình lịch sử, văn hóa của nơi này, có một thời kỳ khá dài, ngót gần một thiên niên kỷ là vùng phía Bắc của vương quốc cổ Chămpa. Bộ phận cư dân này trong quá trình phát triển của mình đã để lại nhiều dấu tích văn hóa rất phong phú và độc đáo, mang nhiều dáng vẻ đặc thù, góp phần tạo nên sự đa dạng của tiểu vùng văn hóa Quảng Trị trong bối cảnh chung của toàn miền Trung Việt Nam.
Những di tích thuộc văn hóa Chăm ở Quảng Trị trải qua thời gian, do chịu nhiều tác động của thiên nhiên, xã hội nên đã và đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã. Phần lớn các đền tháp, thành lũy đã bị hủy hoại hoặc chỉ còn là những phế tích. Nhiều công trình văn hóa và những giá trị văn hóa phi vật thể lần lượt bị mất mát, biến dạng và có nguy cơ xóa dấu vết trên thực tế lần trong tâm thức của người đời. Từ trong lịch sử hàng thế kỷ trước, người dân Quảng Trị đã cố gắng gìn giữ những dấu ấn vật thể về văn hóa Chăm trong các làng xóm của mình bằng cách Việt hóa các sản phẩm văn hóa ấy thông qua những câu chuyện ly kỳ mang tính huyền thoại. Nhờ đó mà mặc dù vương quốc Chămpa đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng một phần không nhỏ di sản văn hóa Chăm ở vùng đất này được giữ gìn cho đến tận ngày nay.
Văn hóa Chămpa là một bộ phận để cấu thành nên bản sắc văn hóa của vùng đất Quảng Trị bên cạnh các đặc trưng văn hóa của các tộc người Việt, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Chăm là phát huy những giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hun đúc thêm nhận thức về bề dày lịch sử văn hóa của một vùng đất nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.
Sách: Văn hóa Chămpa - Di tích và huyền thoại (tỉnh Quảng Trị)
Tác giả: LÊ ĐỨC THỌ
Nhà xuất bản Thuận Hóa – 2012, sách có 368 trang.
Chịu trách nhiệm xuất bản: TS. Nguyễn Duy Tờ
Biên tập: Lê Văn
Trình bày: Yến Thọ
Mỹ thuật bìa: Đặng Xuân Hùng
Sửa bản in: Anh Thi
Ảnh: Lê Đức Thọ và tư liệu của Bảo tàng Quảng Trị.
In 400 cuốn, khổ 14,5x20,5cm, tại Xưởng in NXB Nông nghiệp Số đăng ký KHXB: 197-2012/CXB/32-06ThuH. Quyết định xuất bản số: 25/QĐ-XBTH, cấp ngày 27-2-2012, In xong và nộp lưu chiều tháng 04 năm 2012.
Đôi nét về tác giả: Ths LÊ ĐỨC THỌ
Bút danh: Yến Thọ
Sinh năm 1964, tại Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị
Thạc sỹ chuyên ngành Dân tộc – Khảo cổ.
Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị
Ông là chủ biên và tham gia biên soạn chính các sách đã in:
Tập sách Văn hóa Chămpa - Di tích và huyền thoại (Tỉnh Quảng Trị) là sự tập hợp nguồn tài liệu, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các học giả từ trước tới nay, trên cơ sở đó, kế thừa một cách có chọn lọc để phát triển theo một hướng tiếp cận mới, một phạm vi và cách nhìn sâu, rộng hơn về các đối tượng thuộc phạm vi nghiên cứu của mình nhằm hệ thống hóa và dựng lại bức tranh tổng quan về di tích, di vật văn hóa Chămpa ở Quảng Trị. Đặc biệt dành một thời lượng nhất định cho việc phân loại, khảo tả hiện trạng, nhận định về quy mô, cấu trúc, kỹ thuật, niên đại; về giá trị lịch sử, nghệ thuật và văn hóa của một số di tích tiêu biểu. Mặt khác thông qua việc tìm hiểu nội dung một số chuyện mang tính huyền tích, một số giai thoại phản ánh đời sống của cư dân Chămpa hoặc liên quan đến di tích Chăm được ra đời và tồn lưu trong các làng xã của cộng đồng người Việt để đi sâu tìm hiểu về sự thật cốt lõi, nguồn gốc của các huyền thoại nhằm làm sáng tỏ hơn mối quan hệ Chăm - Việt trong lĩnh vực đời sống cộng cư; sự hòa nhập, giao cảm trong văn hóa ứng xử của các lớp cư dân trên vùng đất này. Điều đó có thể coi như là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN