Thông tin khoa học
TỪ MỘT TẤM BIA ĐÁ - LẦN TÌM VỀ THÂN THẾ VÀ HÀNH TRẠNG CỦA MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ

Cập nhật ngày: 4/23/2020 2:34:56 PM

Trong một chuyến công tác về cơ sở, chúng tôi có dịp được tiếp cận một ngôi mộ cổ ở xứ Cồn Tràm thuộc địa phận làng Hà Tây (xã Triệu An, huyện Triệu Phong). Trải qua thời gian, hiện trạng của ngôi lăng mộ đã bị hư hại gần như toàn bộ, chỉ còn lại một đoạn tường bao ở phía hậu đầu, nấm mộ ở giữa và hai nhà bia phía trước. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế các dấu vết còn lại, kết hợp với việc khai thác thông tin của các bậc cao niên trong làng đồng thời so sánh với nhiều ngôi mộ cổ khác có cùng niên đại cũng có thể ước định và đưa ra được thông số tương đối về kích thước cũng như quy mô của ngôi mộ này.

Ngôi lăng mộ tọa lạc trên một khu đất tương đối bằng phẵng, thiết kế theo dạng hình chữ nhật, nằm quay mặt về hướng đông nam, được xây bằng vật liệu chính là đá ong kết hợp với vôi hàu và bã thực vật. Diện tích tổng thể sau khi đo được là 58,5m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6,5m), tường bao dày 50cm, cao chừng 1m. Mặc dù hiện nay phần lớn tường bao đã bị sụp đổ nhưng nhìn tổng thể thì kiến trúc thiết kế gồm hai phần: tường thành bao bọc bảo vệ bên ngoài gọi là “lăng” và nấm mồ đặt chính giữa bên trong gọi là “tẩm”. Từ ngoài đi vào phải qua hai nhà bia cao 2,4m, rộng 1,5m, dày 0,95m rồi mới đến nấm mộ hình mai rùa ở giữa. Hiện tại, bên trong hai nhà bia này vẫn còn hai tấm bia bằng đá sa thạch khá nguyên vẹn, có thể nhận dạng được các đường nét chạm khắc hoa văn cũng như phần nội dung chữ Hán còn lại thể hiện trên bề mặt.

Hiện trạng ngôi lăng mộ bà họ Trần - vợ của vị Thứ đội trưởng người làng Hà Bá/Hà Tây

 

Từ ngoài đi vào, tấm bia bên phải cao 86cm, rộng 50cm. Trán bia thể hiện họa tiết “lưỡng long triều nhật”. Diềm bia trang trí hình cánh sen và dây lá cách điệu. Bên dưới trang trí một đóa sen mãn khai. Lòng bia cao 61cm, rộng 24cm, bề mặt có khắc các dòng chữ Hán. Tấm bia được đặt trên một chân đế vững chãi bằng đá thanh, mặt trước khắc họa hình hai con rồng chầu chữ Thọ, mặt sau gắn chặt vào tường nhà bia.

Tấm bia bên trái cao 90cm, rộng 51cm. Trán bia thể hiện họa tiết “song phụng triều nhật”. Diềm bia trang trí hình dây lá hóa long chầu đài sen. Đế bia được làm bằng một khối đá thanh, mặt trước khắc họa hồi văn chữ “Vạn”. Lòng bia cao 64,5cm, rộng 28cm, bên trên khắc chìm một bài văn chữ Hán theo lối chân thư với những đường nét dứt khoát và kỹ thuật vô cùng điêu luyện. Toàn bộ bài văn gồm có 12 dòng (bao gồm cả lạc khoản).

Qua quá trình khai thác thông tin từ người dân địa phương họ chỉ biết rằng chủ nhân của ngôi mộ cổ này là một người phụ nữ họ Trần, thường gọi là mộ bà Thuộc. Ngoài ra không còn có thông tin gì khác. Để tìm hiểu rõ về lai lịch và hành trạng của chủ nhân ngôi mộ, chúng tôi đã cho phiên âm và dịch nghĩa hai tấm bia đá này cụ thể như sau:

- Bia bên trái:

+ Nguyên văn chữ Hán: Thái tuế Đinh Sửu niên. Việt cố y phu thứ đội trưởng Trần quý nương chi mộ. Cốc đán phụng lặc. Hiếu nam Hà Văn Tài phụng lập.

+ Tạm dịch: Năm Đinh Sửu. Mộ của một phụ nữ người Việt, họ Trần, là phu nhân của Thứ đội trưởng. Phụng vào một buổi sáng tốt lành. Con trai Hà Văn Tài lập bia.

- Bia bên phải:

+ Nguyên văn chữ Hán : Thái tuế Đinh Sửu niên. Nhụ nhơn tổ phụ dĩ Võ Xương huyện Hà Bá xã chi nhân dã. Cánh bão vô tiền chi nghiệp, phiên thành phù bình viễn ký tha hương. Nãi nhập Thâm Khê xã chi bộ, thường dĩ thương mại tự lâm biệt huyện, nhi tái ngụ vu Phú …(mất 1 chữ) phường chi địa. Bão cô lậu nhi tự xứ. Hữu tiết nghĩa dĩ hình gia hạnh, sinh đắc nam nữ ngũ nhân. Nhụ nhân sinh vu Quý Hợi niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật Thìn thời giã dã. Nhụ nhân tự ấu tòng phụ vu khuê môn, dĩ thiều đễ bát hiếu vi niệm bất tục, phiếu mai chi thập, trưởng tòng phu vu quân ngũ, dĩ luật thân hành, dĩ vi giới canh quan. Tuy chi thi vi thậm tận. Ngưỡng kiều chi thành ngữ. Kỳ phụ hữu thực bần chi ân. Phụ nữ chi đức như thử, kỳ cực chí ư gia thế. Nhật long túc dạ liễn chưởng. Tuy phú nhi năng lặc, tuy túc nhi năng kiệm. Nhụ nhân khởi dĩ phú túc vi thung lạn hồ. Nhụ nhân dĩ tử hữu thất gia vi nguyện. Đãi kỳ nam trưởng nhi hữu thất , nữ trưởng nhi hữu gia. Kỳ nguyện túc hĩ, kỳ tâm phu hĩ chí thành.

Ngọ niên lương nhân thăng vi Thứ đội trưởng, nhụ nhân thư đắc phong hầu chi ấn y, hoàn hương chi cẩm. Diệc bất dĩ phú quý vi kiêu nhân hồ. Lương nhân tái biệt thụ thất tân hôn. Nhụ nhân tự thủ thủy tuyết chi tâm bách tùng chi thao, diệc bất dĩ tân hôn vi đố kỵ, … (mất 1 chữ) vị kỳ đức chân thảo trung chi lan sát. Kỳ hành thành khí chi bích. Phụ đạo như tư hào cư kỳ hữu tiếu hô. Lạc tận bi lai doanh lệ. Hữu số bất nghi, Mậu Thìn niên hiếu nữ lặc hầu thê lâm sản nhi một. Nhụ nhân lệ lưu tràng đoạn, thê da thảm da. Hu hà cập nghi kế, Kỷ Tị niên lương nhân hành công sự nhiễm sương nhi tốt. Nhụ nhân đảm phúc tâm toan. Ta hề khấp hề bất năng kỷ dã. Ô hô, ai tai. Niên tích mục lũy mạo dũ, tâm khô lệ tận chung ô. Hiệu cùng khí tầm. Đinh Sửu niên chính nguyệt sơ ngũ nhật Hợi thì nhụ nhân mệnh chung. Hưởng linh thất thập ngũ tuế.

Ô hô! Y hi! Đức nghiệp như thử, phong lưu như thử. Khâm tai! Thức tai! Phụng minh hữu chí.

Cốc nhật phụng tuyên.

+ Tạm dịch: Năm Đinh Sửu. Cha ông của bà là người làng Hà Bá huyện Võ Xương, trọn đời ôm ấp hoài bảo lập nghiệp từ nhiều năm trước, lênh đênh theo dòng nước làm khách tha hương, bèn nhập cư vào làng Thâm Khê, thường đi buôn bán đến các huyện khác, lại tới ở ngụ đất phường Phú (?). Sinh thời thường giúp đỡ những nghèo khổ ít học trong vùng, là người có tiết nghĩa giữ phép thường đạo lý, sinh được 5 người con cả trai lẫn gái.

Bà sinh vào giờ Thìn ngày 21 tháng 7 năm Quý Hợi. Từ nhỏ theo cha lui tới chốn khuê môn, lấy đạo thuận bát hiếu để tâm niệm lẽ sống ở đời. Đến tuổi trưởng thành thì theo chồng vào quân ngũ, dùng phép tắc mà giữ thân mình, lấy giới nghiêm để xét soi mình. Ngưỡng mặt nhìn trời cao mà thành thật với lời nói. Là một người phụ nữ luôn ân cần trăn trở cho cuộc sống của những người nghèo khổ. Cái đức hạnh như vậy, xứng đáng là điểm tựa lớn lao cho cả nếp nhà. Sống trong nhung gấm lụa là, sớm hôm xe ngựa kẻ hầu người hạ đón đưa. Tuy giàu có như vậy nhưng bà lại hết sức nhún mình; tuy no đủ sung túc mà luôn biết cần kiệm không hề phung phí. Há chẳng vì giàu sang mà lười biếng bản thân. Bà lấy việc con cái yên bề gia thất làm ước nguyện. Vui mừng khi con trai tưởng có gia đình, con gái cả lập gia thất. Ước mong ấy được trọn vẹn, trong lòng bà hết sức toại nguyện.

Vào năm Ngọ, đức lang quân được thăng làm Thứ đội trưởng. Bà được ban ấn áo, trở về quê trong nhung gấm vinh hoa. Cũng không lấy việc giàu sang phú quý đó làm kiêu ngạo. Khi đức phu quân của bà đi lấy người khác làm hầu. Bà tự nuốt nước mắt vào lòng không hé nửa lời để giữ tròn đức hạnh của người vợ. Cũng không hề lấy việc tân hôn đó mà nảy lòng hờn ghen đố kỵ. Đức độ của bà hết sức chân phương, suy xét của bà vô cùng thấu tình đạt lý, hành động luôn đắn đo độ lượng, thành thực và có chừng mực. Sự hào hiệp tích chứa trong đạo hạnh của người phụ nữ ấy ngẫm thấy thật lớn thay.

Trong cuộc đời bà, niềm vui trãi khôn xiết mà nỗi buồn thương cũng đến tràn nước mắt. Số trời chẳng mấy ai ngờ trước, năm Mậu Thìn con gái bà ép vợ hầu của cha đến bất tỉnh và chẳng may qua đời. Bà hai hàng lệ nhỏ thành dòng, lòng dạ xót thương đến vô hạn. Chao ôi! Vận số vốn không lường được, đến năn Kỷ Tỵ, đức lang quân đi làm quân vụ chẳng may bị nhiễm chướng khí tử mạng. Bà đau buồn đến tận tim gan, khóc cạn nước mắt chẳng gượng dậy nổi.

Than ôi! Thương xót thay! Ưu phiền tích chứa đã lâu, tướng mạo tiều tụy héo mòn cùng năm tháng. Tim khô lệ tận, sức cùng lực kiệt. Giờ Hợi ngày mồng 5 tháng Giêng năm Đinh Sửu, bà trút hơi thở cuối cùng, hưởng linh 75 tuổi.

Hỡi ôi! Thương xót thay biết nhường nào! Đức nghiệp lớn lao như thế ấy, phong lưu một đời trần ai đến vậy! Kính trọng vậy thay! Hiểu biết vậy thay! Vâng mệnh khắc bài minh văn để ghi nhớ về sau.

Ngày tốt vâng mệnh khắc bia.

Như vậy, nội dung thể hiện trên hai tấm bia đá hiện còn đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin có giá trị về mặt khoa học lịch sử. Trước hết, thông qua tấm bia đã xác định được chủ nhân của ngôi mộ cũng như năm sinh, năm mất, hành trạng và phẩm hạnh đáng kính của một người phụ nữ dưới thời phong kiến. Theo văn bia thì bà là một người họ Trần người làng Hà Bá/Hà Tây - là vợ của một vị Thứ đội trưởng, người họ Hà làng Hà Tây. Bà sinh vào giờ Thìn ngày 21 tháng 7 năm Quý Hợi, mất vào giờ Hợi ngày mồng 5 tháng Giêng năm Đinh Sửu, hưởng thọ 75 tuổi. Người đứng ra xây mộ lập bia là con trai Hà Văn Tài.

Bên cạnh đó thì dấu vết của kiến trúc và vật liệu còn lại ở ngôi lăng mộ này đã phần nào cho chúng ta thấy được kỹ thuật xây dựng và trình độ mỹ thuật của thời đại lúc bấy giờ. Yếu tố mỹ thuật được thể hiện rõ thông các họa tiết trang trí trên hai tấm bia đá đã giúp cho chúng ta hình dung được phong cách nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ cũng như sự nhận thức về cái đẹp trong từng thời điểm lịch sử.

Để tìm hiểu rõ về người phụ nữ này, chúng tôi tìm về làng Hà Tây (xã Triệu An, huyện Triệu Phong). Được biết, Hà Tây là một làng được hình thành từ rất sớm trên vùng đất Quảng Trị. Tương truyền, Tiền khai khẩn của làng là một võ tướng người họ Phạm có quê gốc ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), tham gia trong đoàn quân mở mang bờ cõi vào phía nam dưới triều nhà Lê; sau đó khai khẩn đất đai và lập làng. Ban đầu làng có tên gọi là Hà Bá sau đó đổi thành Hà Tây. Tuy nhiên lại có truyền thuyết cho rằng ban đầu có 4 người thuộc các dòn họ Dương, Lê, Hà, Phạm cùng vào khai khẩn lập nên làng. Theo ghi chép của Dương Văn An trong sách Ô châu cận lục (1555) thì tên làng Hà Tây bấy giờ đã xuất hiện với tên là Hà Bá, [1] thuộc huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong. Đến năm 1776, theo thống kê danh mục làng xã của xứ Thuận Hóa được chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì làng Hà Bá là một trong 26 làng/xã của tổng An Cư, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa [2]. Đến thời Đồng Khánh (1886-1888), trong Đồng Khánh địa dư chí, làng Hà Bá lúc này đã được đổi thành Hà Tây, thuộc tổng An Cư, huyện Đăng Xương, đạo Quảng Trị [3].

Đi sâu tìm hiểu về dòng họ Hà làng Hà Tây, thông qua Hội đồng tộc trưởng, chúng tôi được tiếp cận một bản gia phả chép bằng chữ Hán hiện đang lưu giữ tại nhà thờ họ. Mặc dù bản gia phả này chỉ chép dưới dạng liệt biên, không đề đề cập năm tháng cụ thể nhưng qua nghiên cứu cũng đã phần nào làm sáng tỏ những vấn đề thế thứ. Theo ghi chép, thủy tổ họ Hà là ngài Hà Văn Cẩm, sinh hạ xuống đến đời thứ 5 có ông Hà Văn Nhân, tên còn gọi là ông Thuộc, từng giữ chức Bảo trung tướng quân, mộ phần táng tại xứ Bồ Đề; vợ không rõ tên, mộ táng tại xứ Cồn Tràm. Bà sinh hạ được hai người con trai và một người con gái là Hà Văn Tài, Hà Văn Huân, Hà Thị Lựu. Theo những bậc cao niên có hiểu biết trong họ thì ông Hà Văn Nhân (tức Thuộc) chính là vị Thứ đội trưởng, là chồng của người phụ nữ họ Trần có lăng mộ và bia đá như trên. Khu lăng mộ của ông trước đây cũng được xây dựng rất quy mô bằng chất liệu như lăng mộ của bà, nằm cách đó 1,5km về phía nam. Tuy nhiên, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, lăng mộ nguyên xưa của ông hiện nay đã không còn. Tính đến nay, họ Hà làng Hà Tây đã truyền được 17 đời.

Từ những cứ liệu nêu trên, đối chiếu với niên biểu Việt Nam và thế thứ thực tế của họ Hà làng Hà Tây, chúng ta có thể tiệm cận được năm sinh và năm mất của người phụ nữ quá cố này. Bà sinh trong khoảng thời gian năm 1623 hoặc 1683, mất năm 1697 hoặc năm 1757.

Những ngôi lăng mộ này còn lại cho đến ngày nay là không nhiều. Trong từng công trình kiến trúc rêu phong đó đều chứa đựng những giá trị về mặt văn hóa, khoa học và lịch sử nhất định. Đặc biệt, nội dung còn lại trên bia đá là cứ liệu cụ thể và xác thực nhất để giải mã nhiều vấn đề về lịch sử trong những cừng mực nhất định. Thiết nghĩ, đây là những di tích lịch sử văn hóa cần được bảo tồn và phát huy nhằm làm phong phú thêm bức tranh di sản văn hóa trên vùng đất Quảng Trị./.

Trịnh Cao Nguyên


[1] Dương Văn An. Ô Châu Cận Lục. Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 36.

[2] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2007, tr. 102.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sách điện tử. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin, tr. 1384.

XEM THÊM VỀ THÔNG TIN KHOA HỌC
MẤY VẤN ĐỀ VỀ VĂN BẢN HÁN NÔM LÀNG XÃ QUẢNG TRỊ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU, BÓC PHONG HÓA, NHẬN DIỆN CẤU TRÚC GIẾNG SỐNG ĐÌNH TRẦN - NÉT VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG TRONG KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG QUẢNG TRỊ DẤU ẤN PHẬT GIÁO CHAMPA VÙNG QUẢNG TRỊ ĐỜI SỐNG KINH TẾ CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở MIỀN TÂY QUẢNG TRỊ ĐÔI NÉT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUÂN ĐỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN Ở QUẢNG TRỊ VÀI NÉT VỀ NÔNG NGHIỆP CỦA NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ XƯA KỸ THUẬT XÂY DỰNG GIẾNG CHĂM (DẪN LIỆU TỪ VÙNG QUẢNG TRỊ)