Cập nhật ngày: 4/22/2021 8:51:47 AM
Bùi Dục Tài (1477- 1518) hiệu là Minh Triết tiên sinh, sinh năm Đinh Dậu (1477), con ông Bùi Sỹ Phường, cháu đời thứ 5 của ngài thủy tổ Bùi Trành 2. Ông là một người con của thôn Câu Lãm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nay là thôn Câu Nhi, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng. Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đời Lê Hiển Tông, Bùi Dục Tài đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), lúc 25 tuổi. Sau khi đỗ tiến sĩ, Bùi Dục Tài làm quan với chức Hàn lâm Hiệu lý, rồi được thăng làm Tham chính đạo Thanh Hoa. Năm 1509, niên hiệu Hồng Thuận thứ nhất, đời vua Lê Tương Dực, ông được thăng làm Lại bộ Tả Thị lang. Dưới triều Lê Chiêu Tông (1516 - 1522), ông giữ chức Tham tướng và trong lần đem quân đi dẹp loạn ở Thuận Hóa, ông đã bị gian đảng sát hại, ông mất năm 1518, hưởng thọ 41 tuổi. Sau khi ông mất, vua Lê đã truy tặng chức Lễ Bộ Thượng thư. Năm 1858, Bùi Dục Tài được vua Tự Đức sắc phong Tuấn Lương Y Quang Nhất Đào Trung Hưng Tôn Thần.
Cuộc đời của Bùi Dục Tài là một ý chí khổ học, khổ luyện để vượt khó vươn lên, khi đỗ đạt và ra làm quan, ông là một vị quan thanh liêm, hết lòng phục vụ nhân dân, đất nước, những cống hiến của ông cho quê hương, đất nước thật đáng khâm phục. Việc Bùi Dục Tài thi đỗ và được ra làm quan dưới thời nhà Lê lúc bấy giờ giống như ngọn cờ cổ vũ, khơi dậy truyền thống học tập của cả một vùng đất, người đầu tiên mở đường học vấn, khoa bảng và được mệnh danh là tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong.
Trước thế kỷ thứ XVI, xứ Thuận - Quảng là miền biên cương phía nam của Đại Việt, đây là một vùng đất mới được khai phá, việc học hành chưa được chú trọng như vùng đất phía bắc. Bởi vì xa kinh đô, các điều kiện để học tập không đáp ứng được yêu cầu. Hơn thế nữa, việc học hành, thi cử ngày xưa thật khó khăn, tốn kém và lâu dài, đặc biệt là những người có chí học hành như Bùi Dục Tài phải gian truân, vất vã lắm mới có thể theo kịp nho sĩ Bắc hà.
Con đường học hành của sĩ tử ngày xưa bắt đầu rất sớm, khi lên 6, lên 7 tuổi, học trò đã bắt đầu học về sách Sơ học vấn tân, Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ), Ngũ ngôn (văn vần 5 chữ), biết làm các bài văn, làm câu đối 2 chữ, 4 chữ, biết phân biệt vần trắc và vần bằng. Khoảng 10 tuổi, học trò đã làm quen với những sách kinh điển của Nho giáo như Tứ thư, Ngũ kinh, rồi sử Trung Quốc, sử Việt Nam. Ngoài ra, học trò còn phải đọc sách Bách gia chư tử của các triết gia Trung Quốc thời cổ đại, Đường thi, Tống thi, những áng văn tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Về tổ chức trường lớp: các trường học ở phủ, huyện do giáo thụ và huấn đạo phụ trách. Trường lớp được đặt ở văn chỉ của phủ, huyện hoặc ở ngay công đường. Trường có nhiệm vụ tập hợp học sinh vào những ngày đã quy định hàng tháng để giảng kinh sử, làm văn, chấm bài và bình văn. Các quan chức ở phủ, huyện sẽ tuyển lựa và tổ chức thi khảo khóa để tuyển chọn người được đi thi hương và lập danh sách gửi lên tỉnh. Nội dung giảng dạy ở các trường phủ huyện cũng dựa theo như Quốc Tử giám. Đối với những người sinh ra và lớn lên trong điều kiện học hành thuận lợi thì việc học theo trường lớp như thế. Tuy nhiên, 13 tuổi Bùi Dục Tài vẫn chưa được đi học vì bấy giờ, vùng quê ông rất nghèo khó, hệ thống giáo dục chưa có điều kiện để phát triển, còn sơ khai, như Dương Văn An nhận xét khi viết về vùng đất này: “đất đai hẻo lánh, phong tục chất phác, nhân vật thưa thớt, không thể so sánh với Châu Hoan, Châu Ái” 2. Thế nhưng, có công mài sắt, có ngày nên kim, ý chí vượt khó cùng với tư chất thông minh, chỉ trong vòng 12 năm (1490 - 1501) Bùi Dục Tài đã tỏ tường các sách dành cho nho sĩ như: Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung), Ngũ kinh (kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Xuân Thu), Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn quyển, Thông giám cương mục...
Từ thời Lê Thái Tông, vấn đề học hành, thi cử đến tuyển chọn người tài đã được đưa vào chiếu. Thiệu Bình năm thứ nhất (năm 1434), định phép thi chọn kẻ sĩ, chiếu rằng “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thưở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiệt như sao buổi sớm... Nay định rõ thể lệ khoa thi, kì thi, thi Hương ở các đạo, thi Hội ở sảnh đường tại kinh đô, từ đây về sau, coi đó làm quy định lâu dài” 3.
Sau thời gian dùi mài kinh sử, đến năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 (1501), đời vua Lê Hiến Tông, Bùi Dục Tài vác lều chõng đi thi Hương. Thưở ấy, cả nước chia làm 13 xứ, xứ Thuận Hóa, Quảng Nam không có trường thi, các học trò của xứ này phải tham gia thi tại trường thi Phụng Thiên hoặc trường thi Nghệ An. Trong điều lệ thi Hương dưới thời Lê được Phan Huy Chú viết rõ trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ở “Khoa mục chí” như sau:
- Ngày 08-8: Vào trường nhất thi Tứ thư và Ngũ kim 5 bài. Bài thi phải viết theo lối biền văn - tức là có đối mà không cần vần.
- Ngày 13-8: Vào trường nhì thi chiếu, chế, biểu: chiếu - lời vua nói, chế - vua phong thưởng cho công thần, biểu - bài văn thần dân tạ ơn vua hoặc chúc mừng vua nhân dịp ngày lễ. Sĩ tử phải biết chọn lựa từng hoàn cảnh, từng đối tượng mà dùng giọng văn cho thích hợp.
- Ngày 24-8: Vào trường ba thi thơ (dùng Đường luật) phú (dùng cổ thể, thể ly tao hoặc văn tuyển) đều trên 300 chữ.
- Ngày 28-8: Vào trường tư thi kinh sách (đề thi về kinh sư, thời vụ) bài phải dài 1000 chữ trở lên.
- Ngày 01-9: Yết bảng người đỗ 4.
Bùi Dục Tài đã vượt qua được bốn cửa ải để đỗ Hương tiến. Lúc này, những vị tân khoa được mời đến dinh quan Trấn thủ dự lễ tạ ơn, được ban yến, lĩnh mũ áo. Đỗ Hương cống (như cử nhân sau này) được đón rước long trọng, có lộng đình và đồ nghi trượng. Ông cống Bùi Dục Tài mang mũ áo triều đình, cưỡi ngựa, che lộng về làng Câu Nhi trong niềm hân hoan chào đón của người dân.
Mùa xuân năm sau, tháng 2 năm Nhâm Tuất (1502), Bùi Dục Tài lặn lội từ châu Thuận ra đến Thăng Long tham dự kỳ thi Hội. Được dự kỳ thi Hội là dịp thử thách tài văn chương giữa hàng ngàn Cống sĩ trong cả nước thật là một niềm tự hào đối với Bùi Dục Tài.
Ở kỳ thi này, Bộ Lễ định phép thi, các quan cận thần ra đầu bài, vua sửa lại rồi đưa xuống phòng thi. Những viên Tuần xước (giám thị) ở trường thi mỗi ngày thay đổi một lần. Các khảo quan trước ngày thi tất cả các quan trường phải hội thề, không tư thiên dối trá. Tham gia kỳ thi này, chàng Cống sĩ 25 tuổi ở xứ Thuận Hóa xa xôi cách trở là Bùi Dục Tài phải tranh tài với 5.000 thí sinh trong cả nước 5. Theo định lệ ở kỳ thi Hương năm trước (1501), cả nước có tất cả 730 Hương cống được chấm đỗ, 4.270 thí sinh còn lại có thể chia làm 2 loại: Những người đã qua những kỳ thi Hội trước đây, nay rất am tường chuyện thi cử, hoặc số quan viên có học tập cử nghiệp đã vượt qua các kỳ sát hạch cũng được phép vào thi Hội. Kỳ thi Hội năm đó trải qua 4 trường sau:
- Trường nhất: thi Kinh nghĩa 8 đề (luận ngữ 4 đề, Mạnh tử 4 đề; cử tử chọn lấy 4 đề để làm). Ngũ kinh mỗi kinh 3 đề, cử tự chọn lấy 1 đề, riêng 2 đề về Kinh Xuân Thu thì chọn 1.
- Trường nhì: thi chiếu, chế, biểu, mỗi thể 3 bài.
- Trường ba: thi thơ và phú mỗi thể 2 bài; phú dùng thể Lý Bạch.
- Trường tư: thi văn sách 1 bài, hỏi về ý chỉ kinh truyện và chính sự các đời hay dở thế nào.
Khoa thi Hội này chưa rõ ai là người thi đỗ Hội nguyên nhưng trong số 5.000 ứng thi có 61 người được lấy đỗ (tỷ lệ 82 người lấy một), trong đó có Bùi Dục Tài quê tận châu Thuận xa xôi và chuẩn bị bước vào khoa thi Đình.
Trong nội dung văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đã nói lên được mục đích của kỳ thi này “Mở khoa thi Tiến sĩ là quy chế đã định sẵn để kén chọn kẽ sĩ, khắc đá đề danh cốt để rộng rãi khuyến khích nhân tài. Các triều đại trước đều lấy đó để làm sáng tỏ nhân văn, thánh triều cũng lấy đó để nâng cao hiệu quả trị đạo. Đại khái kinh điển, giáo hóa lớn của triều đình hàm chứa trong đó, đâu phải để ghi sự việc cho đẹp mắt mà thôi đâu!” 6.
Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), Bộ Lễ theo lệ cũ, mở cuộc thi Đình, cuộc thi này thực chất là xếp hạng những người đã được chọn lọc qua kỳ thi Hội. Sáng sớm hôm ấy, 61 người trúng cách (tức là đỗ thi Hội) mà Bộ Lại đã tâu lên được dẫn đến sân điện Kính Thiên. Trông nom trường thi lúc bấy giờ đều là các vị quan chủ chốt của triều đình như: Nam Quân đô đốc phủ tả đô đốc phò mã đô úy Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu và Hộ Bộ Thượng thư Vũ Hữu làm đề diệu; Binh bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên và Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Bùi Xương Trạch làm giám thị; Lễ Bộ thượng thư Tả Xuân phường hữu dụ đức kiêm Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Lễ Bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, chưởng Hàn lâm viện sự Nguyễn Bảo, Lễ bộ Tả thị lang kiêm đông các học sĩ Lê Ngạn Tuấn, Quốc tử giám tế tửu Hà Công Trình, Tư nghiệp Hoàng Bồi, Thái thường tự Nghiêm Lâm Tiến đọc quyển thi 7. Bùi Dục Tài, lần đầu tiên trong đời được vinh dự vào chốn cung đình, đối đáp trực tiếp với vua Lê Hiến Tông. Trong không khí trang nghiêm, rạng danh đầy đủ các anh tài khắp cả nước, Bùi Dục Tài đã trả lời lưu loát, sắc bén những bài văn hỏi về công việc đế vương trị nước của nhà vua.
Sau những ngày hồi hộp chờ tin, bảng vàng thi Đình được công bố, lễ xướng danh tổ chức rất trọng thể. Khoa ấy, Lê Ích Mộc, Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, Bùi Dục Tài nằm trong số 24 người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, 34 người còn lại đều đạt học vị Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Khó tả hết được niềm vui của những sĩ tử sau bao năm đèn sách, dùi mài kinh sử nay được đỗ đại khoa, nhất là đối với chàng trai Câu Nhi xa xôi đang nổi danh giữa đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bùi Dục Tài và các vị tân khoa được mời vào sân rồng dự lễ xướng danh, được ban yến, ban mũ áo, cờ biển mang chữ “Đệ nhị giáp tiến sĩ” và “Sắc tứ vinh quy”, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu. Bùi Dục Tài được ban áo chầu bằng vãi ô sa, một mũ phác đầu hai cánh, lá đề tam sơn bằng bạc giống mũ tam khôi, đai bịt thau làm bằng gỗ hương bọc lụa màu tím than và cành hoa bạc, 1 cây 6 cành nặng 6 đồng cân. Ngày vinh quy, Bùi Dục Tài - vị đại khoa đầu tiên của xứ sở được chào đón trong niềm tự hào của nhân dân và quan lại địa phương. Dương Văn An trong Ô châu cận lục đã từng ca ngợi sự kiện Bùi Dục Tài thi đỗ tiến sĩ uy danh vang xa như sự kiện Đặng Tất chiến thắng quân Minh ở Bô Cô năm xưa, ông viết: “Đặng Tất thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy, Bùi Dục Tài đỗ tiến sĩ khai khoa cho một địa phương danh tiếng tuyệt vời... Bùi Dục Tài vinh hiển từ khoa bảng thì phong tục nhân tài của ta khởi sắc, phát triển vượt bậc có thể sánh ngang với thượng quốc” 8.
Cả một thời gian dài, từ khi châu Ô/Thuận trở vào thuộc về quốc gia Đại Việt (1306) đến năm 1502, khi Bùi Dục Tài đỗ tiến sĩ (gần 200 năm), mảnh đất phương nam mới dấy lên được ngọn cờ đầu khai nghiệp văn phong khoa mục, để từ đó làm tấm gương chói ngời cho bao thế hệ noi theo, ra sức học tập, rèn luyện. Đó là Lương Văn Quán, ông người xã Đạo Đầu, huyện Vũ Xương (nay là làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong), hai lần đỗ thi Hương năm thứ tư niên hiệu Cảnh Lịch (1548 - 1553). Nguyễn Đức Hoan, sinh năm Ất Sửu (1805) người xã An Thơ, huyện Hải Lăng (nay là làng An Thơ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng). Ông thi Hương đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, Minh Mạng năm thứ 9 (1828). Thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, Minh Mạng năm thứ 16 (1835). Nguyễn Thế Trị, sinh năm Giáp Tý (1804). Người xã Hương Liệu, huyện Đăng Xương (nay là làng Phương Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong). Ông đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15 (1834). Thi Hội khoa Ất Mùi năm Minh Mạng thứ 16 (1835) ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Lê Đức, sinh năm Nhâm Thân (1812) người xã Sa Lung, huyện Minh Linh (này là làng Sa Lung xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh). Ông thi Hương đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu, Minh Mạng năm thứ 16 (1837). Thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841). Nguyễn Đức Tư, sinh năm Ất Hợi (1815) người xã An Thơ, huyện Hải Lăng (nay là làng An Thơ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng). Ông thi Hương đỗ cử nhân khoa Quý Mão, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843). Thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mão, Thiệu Trị năm thứ 7 (1847). Lê Thụy, sinh năm Nhâm Dần (1842). Người xã Bích La, huyện Đăng Xương (nay là xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong). Ông thi Hương đỗ cử nhân khoa Mậu Thìn, Tự Đức năm thứ 21 (1868). Thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Hợi, Tự Đức năm thứ 24 (1875). Nguyễn Xuân Thọ, sinh năm Mậu Thìn (1808), người xã Đơn Duệ, huyện Minh Linh (nay là làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh). Là giám sinh, thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841). Nguyễn Đăng Chương, sinh năm 1862 người xã Triệu Hòa, huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong). Ông thi Hương đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841) thi Hội đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Giáp thìn, Thiệu Trị năm thứ 4 (1844)...
Từ khi Bùi Dục Tài đỗ tiến sĩ, mảnh đất Câu Nhi cũng sản sinh ra nhiều người con ưu tú, đỗ đạt và làm quan dưới các triều đại phong kiến như: dưới triều Mạc (1527 - 1592) có vị tướng tài ba là Hoàng Bôi từng giữ chức phó tướng đạo Thuận - Quảng, được phong Viêm đàm bá, thăng Đồng tri Thiêm vệ. Đến triều Tây Sơn, có Lễ Bộ Thượng thư Thiệu đức hầu Bùi Văn Tú; Huấn đạo từ hàn Chánh đô ty Bùi Văn Chương. Dưới thời vua Tự Đức (1847 - 1883), làng Câu Nhi lại có một vị đỗ đạt, làm quan đến chức Thượng thư, đó là ông Nguyễn Tăng Doãn. Kế tục truyền thống đèn sách của các bậc tiền nhân, các thế hệ sau của làng Câu Nhi đã ra sức rèn luyện, học tập và có rất nhiều người công thành danh toại. Hàng chục bác sĩ, kỹ sư, cử nhân của con em Câu Nhi đã và đang giữ nhiều chức vụ lãnh đạo các ban, ngành ở địa phương, cơ quan, đơn vị... Cùng với con em đang sinh sống ở làng Câu Nhi, thì dù ở đâu họ cũng đã cống hiến trí, lực cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước cũng như bồi đắp làm dày thêm truyền thống của quê hương, dòng họ, xứng đáng là Câu Nhi văn vật.
Thuận châu/Đàng Trong là một vùng đất mới, cư dân đến đây khai phá lập nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ XIV, phải mất một thời gian khá dài để tập trung lo cho cái ăn, cái mặc và phải đối phó với bao nhiêu gian khó, hiểm nguy để thích nghi với miền đất “Ô Châu ác địa” này, nơi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Có lẽ vì thế, suốt một thời gian dài, việc học hành, thi cử chưa có điều kiện để phát triển sâu rộng trong nhân dân. Tuy nhiên, ham học hỏi để đi thi, đỗ đạt ra làm quan là mơ ước từ bao đời nay của người dân Việt, cho nên dù chưa có trường lớp, chưa có điều kiện học hành, nhưng Bùi Dục Tài vẫn cố gắng vươn lên, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ học vấn của mình. Sự vươn lên vượt khó để trở thành người tài giỏi của cả nước như ông là một thành quả, kỳ tích đáng ghi nhận, trân trọng và phát huy. Bùi Dục Tài xứng đáng là người khai khoa, mở ra con đường học vấn cho Quảng Trị nói riêng, cho cả xứ Đàng Trong nói chung, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong quá trình học vấn, khoa bảng cho vùng đất này./.
Nguyễn Thị Hà
Chú thích
1 Theo gia phả họ Bùi, phái Bùi Văn - bản quốc ngữ được sao chép từ bản chữ Hán, phụng ghi năm Nhâm Ngọ (1882). Hiện lưu tại nhà ông Bùi Văn Nhị.
2 Dương Văn An. Ô Châu cận lục. Văn Thanh và Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 112.
3 Đinh Văn Niêm. Thi cử, học hàm học vị dưới các triều đại phong kiến. Nxb Lao động, Hà Nội, 2014, tr. 72.
4 Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí (Khoa mục chí), tập 4. Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 60.
5 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư. Dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Tập III. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr. 29.
6 Viện khoa học Xã hội Việt Nam - Viện nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 118.
7 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr. 29.
8 Dương Văn An. Ô Châu cận lục. Sđd, tr. 15.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN