Cập nhật ngày: 9/8/2023 8:44:54 AM
Chợ là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của địa phương, có khi là trung tâm thương mại của một vùng rộng lớn. Hàng hóa trao đổi ở chợ rất đa dạng và phong phú, ngoài các sản phẩm của những người dân quanh vùng tự sản xuất đem đến chợ để trao đổi thì đa phần là những sản phẩm, nhu yếu phẩm do thương nhân buôn từ chợ này đến chợ khác hoặc từ vùng này đến vùng khác đóng một vai trò quan trọng trong việc giao thương, mua bán.
Chợ xuất hiện và gắn với các cộng đồng dân cư ở một khu vực nhất định. Có thể khẳng định khi làng được hình thành, cộng đồng dân cư ổn định và tập trung sản xuất, sinh sống thì chợ bắt đầu xuất hiện. Ban đầu, đây là khu vực giành cho các người nông dân, các thợ tiểu nông bán những sản phẫm do chính mình làm ra và mua những sản phẫm thiết yếu còn thiếu để đáp ứng nhu cầu đời sống cho gia đình. Chính những điều này làm cho mạng lưới chợ hình thành một cách tự nhiên bởi sự phát triển của kinh tế và nhu cầu đời sống của nhân dân trong việc giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa.
1. Quá trình hình thành hệ thống Chợ và mặt hàng trao đổi
Dưới thời phong kiến, nền sản xuất hàng hóa và thương nghiệp ở Quảng Trị còn manh nha, việc buôn bán và trao đổi hàng hóa chủ yếu trong phạm vi thị trường nội tỉnh. Theo Ô châu cận lục của Dương Văn An, trên địa bàn ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay chỉ xuất hiện ba chợ: Chợ Đại Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), chợ Thế Lại (huyện Kim Trà, Thừa Thiên Huế) và chợ Thuận (huyện Hải Lăng và Vũ Xương, Quảng Trị). Về Chợ Thuận, Dương Văn An chép lại: "Chợ nằm ở ranh giới hai huyện huyện Hải Lăng và Vũ Xương. Từ sông cái ở mặt tây nam một nhánh con đổ về, trên nhánh sông này có một nhịp cầu dài vắt ngang, phía nam cầu là liều quán bày la liệt. Nào huyện lỵ, nào thành trì ở hai phía đông và tây đối mặt nhau. Cả hai đường thủy và bộ đều rất thuận lợi. Đây là chỗ đông đúc nhất của châu Thuận" 1. Như vậy, theo tài liệu trên thì chợ xuất hiện sớm nhất ở Quảng Trị chính là Chợ Thuận (chợ của Châu Thuận). Đây là trung tâm thương mại có từ thời Chăm và liên tục phát triển qua nhiều thời kỳ, có lịch sử phát triển song hành gắn bó hữu cơ với thành Thuận Châu. Sự tồn tại của một tòa thành cổ bên cạnh một thị tứ sầm uất trước thế kỷ XVI là một sự thật lịch sử. Với địa thế về đường thủy qua hệ chi lưu dày đặc của sông Thạch Hãn - Vĩnh Định - Hiếu Giang và đường bộ nối liền các làng mạc trong vùng, tạo nên một mạng lưới giao thông nội, ngoại tỉnh với các thương nhân bên ngoài. Do vậy, việc giao thương lên rừng xuống biển, xuôi nam, ngược bắc rất thuận lợi, nên chợ Thuận đã sớm trở thành một trung tâm thương mại sầm uất từ xa xưa trên thủ phủ Thuận Châu.
Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhận vùng đất Ái Tử để xây dựng giang sơn riêng của mình ở xứ Đàng Trong thì cư dân của vùng Thuận Hóa ngày càng đông đúc, làng mạc được thiết lập. Cùng với chính sách vỗ về an dân, thu phục hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng; thì việc khuyến kích lập chợ búa để thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi buôn bán ở các làng xã từ đồng bằng, ven biển đến rừng núi và xây dựng các cảng thị ở cửa sông, của biển cũng được các Chúa Nguyễn chú trọng. Để hệ thống thương mại phát triển rộng khắp các vùng miền thì hệ thống chợ đóng một vai trò quan trọng, đây chính là các trạm trung chuyển những sản phẫm nông nghiệp từ nông thôn lên các đô thị và hàng hóa từ đô thị về các làng bản, đến các cảng biển để giao thương với các nước bên ngoài. Từ nhu cầu bức thiết đó, các chợ ở Quảng Trị cũng dần hình thành nhiều hơn, đó là hệ thống chợ làng, chợ tổng, chợ huyện, chợ hôm, chợ mai, chợ phiên… Là nơi để dân cư các làng lân cận họp mỗi ngày hay mỗi phiên chợ với mục đích trao đổi nông phẩm, sản phẩm tiểu thủ công, thổ sản... để bán và mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống gia đình.
Ở xứ Thuận Hóa (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) có 5 chợ lớn được Lê Quý Đôn tổng kết trong Phủ biên tạp lục như sau: Chợ Dinh, chợ Sãi, chợ Cam Lộ, chợ Phả Lại và chợ Phú Xuân. Chợ Cam Lộ dân địa phương gọi là chợ Phiên, vì chợ nhóm họp theo phiên kỳ, cứ mỗi tháng đông vào 6 phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 (âm lịch). Đây là một chợ có từ lâu đời trên đất Quảng Trị, được Lê Quý Đôn đã mô tả như sau: “Hai bên tả hữu phía trên sông Hiếu Giang thì dân các động sách ở, cày cấy, chăn nuôi rất nhiều; người buôn bán ở các xã thường mang muối mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt, đến đất người Man đổi lấy các hàng hoá, thóc, gạo, gà, trâu, bò, heo, sáp, mây, gió, vải mán, màn man, thuê voi chở về Cam Lộ. Người man cũng lấy voi chở hàng hoá xuống chợ Cam Lộ để bán, một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 30 bát. Cũng có một phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá một con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ 2 hốt bạc và một khẩu súng nhỏ” 2. Có thể khẳng định chợ Phiên Cam Lộ ra đời là do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược, giữa đồng bào kinh với các nhóm dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Trị và các bộ lạc nước bạn Lào. Nằm bên bờ sông Hiếu, dưới thông thương với Cửa Việt, trên tiếp với nguồn Sái của Ai Lao nên chợ Phiên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, thị trường giao lưu trao đổi qua hệ thống đường thủy và đường bộ: Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao. Không chỉ buôn bán trên nội trường Quảng Trị, các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ đào Nha... cũng cập cảng Cửa Việt ngược dòng Hiếu Giang để buôn bán với các thương nhân vùng Lạc Hoàn, Vạn Tượng... Chợ Phiên lúc này trở thành trung tâm buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền với nhiều cửa hiệu sầm uất, nhộn nhịp.
Chợ Sãi được hình dưới thời các chúa Nguyễn, lúc đầu chợ nằm ở xóm Hồ làng An Xuân xã Triệu Thượng phía bắc sông Thạch Hãn. Theo lời kể của một số người cao niên tại làng, trước đây trong khuôn viên chợ Sãi có một ngôi miếu thờ Bà Hỏa, đến năm lụt lớn, miếu bị cuốn trôi và thần chủ của vị Hỏa thần dạt vào làng Cổ Thành, người dân nhiều lần đưa bài vị ra sông để trả lại cho An Xuân nhưng nó vẫn cứ trôi dạt vào chỗ cũ, nhân dân làng Cổ Thành lập miếu thờ ở đó. Hiện tại làng Cổ Thành vẫn có 2 ngôi miếu Bà thờ: Hỏa đức phu nhân và miếu Bà (của làng An Xuân trôi qua). Theo quan niệm dân gian, Hỏa đức phu nhân là vị Thần trấn giữ chợ Sãi, việc Thần rời bỏ làng An Xuân để qua trú ngụ tại làng Cổ Thành là điềm báo dời chuyển chợ qua vị trí khác. Nhưng theo nghiên cứu thực tế tại các địa điểm nêu trên chúng tôi cho rằng: Đến thời Nguyễn, vào năm 1809, vua Gia Long cho dời chuyển lỵ sở từ Trà Bát và Ái Tử, huyện Đăng Xương (xã Triệu Giang - huyện Triệu Phong ngày nay) về xã Thạch Hãn - huyện Hải Lăng (thị xã Quảng Trị), đó là sự dịch chuyển một trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế của nhà Nguyễn. Với sự kiện này nhiều điều kiện cần và đủ để lỵ sở phát triển vững mạnh trong đó có việc phát triển các thị tứ, dân cư, giao thông... Việc chợ Sãi được dời chuyển sang phía nam sông Thạch Hãn là một điều tất yếu lịch sử. Bởi thế, khi nói về chợ Sãi, còn gọi là chợ Cổ Thành, sách Đại nam nhất thống chí đã ghi lại: “Trước mặt giáp sông, thuyền bè các hạt đến đậu hai bên, phố ngói liên tiếp, quán xá dân cư trù mật, kẻ buôn bán đi lại tấp nập, là nơi đô hội có tiếng” 3.
Chợ Sòng với các phố hội buôn bán sầm uất về kinh tế và phong phú về văn hóa, xuất hiện từ xa xưa tọa lạc tại làng Kim Đâu, đây là một vị trí buôn bán nhộn nhịp vào loại bậc nhất ở vùng này, bên cạnh chợ Phiên, chợ Sãi... với vị trí thuận lợi về mặt giao thương đường bộ nơi có đường thiên lý ngang qua, đường thượng đạo xuyên sơn nối liền rừng- biển; với mạng lưới đường thủy như Sông Hiếu, Hói Sòng để các thuyền buôn từ chợ Sãi, Chợ Chùa hay từ Cửa Việt ngược lên; từ Cam Lộ, chợ Phiên xuôi về; người buôn kẻ bán từ chợ Quán, chợ Cầu, chợ Do... vào đây nên trên Hói Sòng thuyền bè tấp nập, nhộn nhịp qua sự dày dạn kinh nghiệm vận tải trên sông của đội thuyền nhân dân làng Hoàn Thịnh. Tất cả đã tạo thuận lợi rất lớn cho việc giao thương xuôi ngược từ nam ra bắc, từ biển lên rừng và ngược lại. Sự trù phú, đông đúc của chợ Sòng và các phố hội: Chú Chên, ông Xểnh, chú Kim được thể hiện qua các câu ca dao: "Nhất Sòng, nhì Sãi". Có thể khẳng định vào thời đó chợ Sòng là một trong những trung tâm hoạt động thương nghiệp và thủ công nghiệp lớn của Quảng Trị.
Đến thời Nguyễn, hệ thống chợ Quảng Trị tiếp tục phát triển, dọc hai bên con đường cái quan từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng có nhiều chợ nổi tiếng về quy mô và diện tích đã đi vào lịch sử như: chợ Quán, chợ Huyện, chợ Tùng Luật ở Vĩnh Linh; chợ Cầu, chợ Kênh ở Gio Linh; chợ Sòng, chợ Phiên ở Cam Lộ; chợ Thuận, chợ Sãi, chợ Cạn ở Triệu Phong; chợ Diên Sanh, chợ Mỹ Chánh ở Hải Lăng. Ngoài ra, hệ thống chợ làng ngày càng nhóm họp đông đúc, trong một vùng khoảng độ 3 -5 làng liền kề nhau thường hình thành một chợ, tên chợ lấy chính tên địa danh của làng nơi chợ nhóm họp; thông thường hệ thống ở chợ Quảng Trị thường được thiết lập trên các trục đường giao thông hay gần các bến sông của các con sông lớn, nơi có các bến đò ngang rất thuận tiện cho việc đi lại trao đổi, buôn bán… Quang cảnh của chợ thì tấp nập, đông vui, người mua kẻ bán trao đổi sản phẩm náo nhiệt cả vùng. Ngoài các chợ lớn kể trên, còn có vô số chợ gắn với tên làng, tên xã như chợ Võ Xá, chợ Do, chợ Thủy Cần (Vĩnh Linh); chợ Nhĩ Hạ, chợ Mai Xá (Gio Linh); chợ Lưỡng Kim, chợ Ái Tử, chợ Lai Phước, chợ Đâu Kênh, chợ An Lợi, chợ Gia Độ, chợ Hà Tây, chợ Chùa, chợ Ngô Xá (Triệu Phong); chợ Như Lệ, chợ Câu Nhi, chợ Phương Lang, chợ Kim Long (Hải Lăng)... Lúc này, chợ Sòng chợ Sãi là nơi có nhiều người Hoa sinh sống, buôn bán, họ lập những phố chợ sầm uất, hàng hóa đa dạng.
Trong thời phong kiến, các mặt hàng trao đổi ở chợ chủ yếu là sản vật của các vùng miền từ biển, đồng bằng đến trung du, miền núi; nó đa dạng và phong phú với nhiều chủng loại, kiểu dáng nhưng chủ yếu gồm các nhóm hàng hóa: nông sản, lâm thổ sản, thủy sản và hàng thủ công. Ghe thuyền vào Cửa Việt mang hàng hoá của vùng biển và các nơi khác, rồi dọc theo sông Hiếu Giang trao đổi với vùng trung du và vùng núi; đồng thời thông qua cửa khẩu Lao Bảo, thu gom nguồn hàng từ Lào, từ vùng núi đem về trao đổi với vùng đồng bằng và vùng biển. Luồng thương mại này từ xưa “qua tuyến Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao tạo nên luồng buôn chuyến trên bộ dưới thuyền từ biển lên Lào và ngược lại rất tấp nập"(4). Các lái buôn đến đồn xin giấy đi vào đầu nguồn mua trâu, bò, thóc, gạo, cùng các thứ sản vật. Hàng nông sản chủ yếu là lúa, gạo nếp, cau khô, hồ tiêu, chuối mít...Hồ tiêu ở tổng Bái Trời huyện Minh Linh là nông sản nổi tiếng, có giá trị cao trong xuất khẩu và tiêu dùng "Xưa Đoan quận công từng sai người y chở về cùng với vây cá, yến sào để đổi cho khách buôn lấy hóa vật, bèn làm thành lệ...cau Thuận Hóa bốn mùa đều có, mềm non và ngọt giá cả lại rất rẻ"(5). Sống trải dài theo dãy Trường Sơn, là điều kiện tốt cho người dân Quảng Trị khai thác tốt các nguồn lợi từ rừng mà đặc biệt là gỗ quý, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, mật ong... Những sản vật này đã mang lại những lợi nhuận to lớn cho các nhà buôn tại thị trường trong và ngoài nước, thu hút các thương nhân về quy tụ tại đây. Bên cạnh đó các loại mây, tre, tranh, than củi cũng là những mặt hàng cần thiết cho đời sống của các gia đình. Hàng thủy sản vô cùng dồi dào, các loại cá, ruốc, nước mắm, muối ... được người dân đánh bắt và chế biến ở vùng biển không chỉ phục vụ buôn bán tại các chợ làng mà còn cung cấp lên đến vùng núi, đến cả các bộ tộc người Lào để đổi lấy hàng lâm thổ sản cần thiết. Các mặt hàng thủ công tại các làng nghề cũng rất phát triển: Chiếu làng Lâm Xuân, Bún Cẩm Thạch, giấy dó Phổ Lại, chạm khảm đồ mộc Cát Sơn, kim hoàn An Xuân, vải chợ Chùa, quạt giấy Phương Ngạn, đúc đồng Phước Tuyền, dầu Sở An Thái... tất cả đều được buôn bán rộng khắp và nức tiếng cả vùng. Các mặt hàng này mang lại lợi nhuận rất lớn cho các thương nhân tại thị trường trong và ngoài khu vực, thu hút đông đảo họ đến đây để mua bán.
Có thể thấy rằng: Với nguồn lâm thổ sản quý giá, nông sản, thủy hải sản và các sản phẫm của nghề thủ công phong phú, dồi dào, có nhiều giá trị kinh tế trong tiêu dùng và xuất khẩu; chính điều đó đã tạo điều kiện cần và đủ cho hệ thống chợ ra đời và phát triển bán buôn nhộn nhịp, góp phần vào việc phát triển kinh tế, cũng cố sức mạnh chính trị, quân sự của các triều đại phong kiến nhất là thời Nguyễn; nâng cao đời sống vật chất của người dân trên vùng đất Quảng Trị.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) song song với sự hoạt động buôn bán trong các vùng tạm bị chiếm ở Quảng Trị, từ năm 1948 trở đi, ở vùng chiến khu và vùng du kích hình thành nhiều chợ kháng chiến như: Chợ Cạn, chợ Lùm Lòi, chợ Cùa, Chợ Ba Lòng... Hệ thống chợ kháng chiến đông về ban đêm, người mua kẻ bán tấp nập, chủ yếu thu gom nguồn hàng cung cấp cho cách mạng.
Sau năm 1954, Quảng Trị trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ của đế quốc Mỹ. Hoạt động thương mại chủ yếu là các dịch vụ phục vụ cho quân viễn chinh Mỹ tập trung chủ yếu là vùng tỉnh lỵ. Với chính sách càn quyét, dồn dân vào trại tập trung, người dân ly tán, lọan lạc... nên đa số chợ làng không còn nhóm họp. Lúc này hàng hóa tiêu thụ chủ yếu là các sản phẫm ế thừa của đế quốc chuyển sang.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến năm 1989, hoạt động thương nghiệp ở Quảng Trị mang tính bao cấp, phục vụ là chủ yếu, không tính đến hoạch toán kinh tế. Thị trường hàng hoá chưa mở rộng nên hệ thống chợ và các trung tâm thương mại cũng chưa phát triển. Từ sau khi tỉnh nhà được lập lại, với việc đổi mới và phát triển toàn diện nền kinh tế hệ thống chợ và đặc biệt các trung tâm thương mại Lao Bảo và Đông Hà, thị xã Quảng Trị được đầu tư xây dựng với giá trị hàng chục tỷ đồng. Đây là các trung tâm thương mại lớn tạo thuận lợ lưu thông hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Với trục đường 9 xuyên Á nối liền nối các tỉnh đông bắc Thái Lan - Lào với cảng Cửa Việt thuận lợi cho du lịch và phát triển hàng hóa. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có có 77 chợ, trong đó ở địa bàn thành thị có 16 chợ; ở địa bàn nông thôn và miền núi có 61 chợ, chợ đầu mối nông sản 03 chợ. Hai chợ có quy mô lớn với 2800 hộ kinh doanh, tập trung ở 2 trung tâm lớn của tỉnh là Đông Hà và thị xã Quảng Trị.
2. Chợ -Những thành quả đối với sự phát triển vùng đất Quảng Trị
- Đối với kinh tế và đời sống
Cuộc sống của người dân vùng Quảng Trị dưới thời phong kiến bó hẹp trong lũy tre làng, nền kinh tế chủ yếu là tiểu nông, tự cung tự cấp. Sự hình thành các khu chợ mà đặc biệt là hệ thống chợ làng với chức năng giao thương hàng hóa hai chiều giũa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn đã làm phá vỡ phần nào nền kinh tế tiểu nông nhỏ lẽ, bó hẹp trong các hộ gia đình. Chợ và quá trình trao đổi, bán buôn đã làm cho các sản phẫm từ nông nghiệp, lâm thổ sản, thủy hải sản và sản phẫm của các làng nghề thủ công... có điều kiện để giao lưu với các sản phẫm của các vùng, miền trong cả nước và các nước láng giềng qua đội ngũ thương nhân trong và ngoài nước. Lúc này hàng hóa sẽ đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, tốt và đẹp hơn về loại hình, mẫu mã; vừa có tính bổ sung và vừa mang tính cạnh tranh sẽ là nhân tố xúc tác rất tốt kích thích sản xuất phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người sử dụng và của thị trường. Từ việc kích thích sản xuất theo hướng tích cực, các mặt hàng hóa ngày càng bình ổn, giá cả phù hợp để người dân sử dụng, đời sống của người dân ngày một nâng lên, ổn định và quy cũ rất nhiều.
- Đối với văn hóa và phong tục tập quán
Chợ đặc biệt là chợ làng là một thiết chế văn hóa của địa phương, nó phản ánh rõ những đặc trưng về phong tục, tập quán, về văn hóa của mỗi vùng quê. Văn hóa chợ làng nó bao gồm cách ứng xử, quan niệm tập tục, các kiêng hèm và những sinh hoạt mang tính truyền thống, việc mở hàng để mua may bán đắt là nhờ vào vía của người đến mua bán đầu tiên. Các thương nhân quan niệm nếu giữa người mua và kẻ bán hợp vía thì ngày đó buôn bán đắt hàng, còn ngược lại thì ế ẩm, cách giải là dùng hình thức đốt vía (xua đuổi rũi ro ra khỏi hàng quán của mình) để cầu mua may, bán đắt.
Một nét đặc trưng ở vùng đất Quảng Trị là nhiều chợ tọa lạc ngay trước mặt đình như: chợ Phiên Cam Lộ, chợ An Lợi, chợ Hà Tây, chợ Câu Nhi, Chợ Cầu... nơi hàng ngày diễn ra cảnh đông vui nhộn nhịp mua bán trước mặt đình càng tăng thêm vẻ gần gủi thân thương của làng quê. Với cách thức trao đổi trong một không gian có cả chợ lẫn đình đã làm cho chợ không chỉ thuần túy là một thị trường buôn bán, mà còn là một không gian sinh hoạt động văn hóa. Đình hướng mặt ra chợ như để bảo trợ cho sự bình yên của cuộc sống dân làng, ngoài ra còn chứng giám cảnh bán buôn, thái độ của mỗi người khi đến chợ, từ đó giáo dục mọi người hướng đến chân - thiện - mỹ. Chợ quay mặt vào đình để cầu mong sự độ trì, ban phúc từ các vị thần cho sự hưng thịnh của việc bán buôn diễn ra hàng ngày.
Đặc biệt, tại chợ đình Bích La, một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào đêm mồng 2 rạng ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán; đây thực chất là một hoạt động lễ hội truyền thống mà ở đó quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa được thể hiện dưới góc độ của mối quan hệ mang tính tập tục, văn hóa chứ không đơn thuần mang tính kinh tế, thương mại. Cũng cần phải nói rằng, người làng Bích La đã dành những thứ tốt nhất, đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. Đó có thể là mớ rau tươi còn thơm mùi đất, dăm ba bó chè xanh ngắt còn đẫm sương đêm, những buồng cau chi chít quả hay giản đơn là dưa, cà, mắm muối... Nhưng hết thảy đó, phải là sản vật do chính người Bích La và dân quanh vùng tự làm ra. Hầu như họ không mang hàng đến đây để bán kiếm lời mà người bán cốt để cầu “may”, người mua cốt để lấy “lộc” đầu năm. Mọi người đến chợ ai cũng muốn xua đi cái xui rủi năm cũ để đón may mắn, tài lộc, tình duyên… của năm mới.
Có thể nói, chợ làng - đình làng là một không gian mang đậm dấu ấn văn hóa và không thể thiếu của cộng đồng cư dân nông nghiệp, nó đã đi vào tâm thức của mỗi một người dân từ bao đời nay. Đây là một biểu tượng đẹp, dung dị, mộc mạc, chân chất của người dân Quảng Trị.
- Đối với chính trị và xã hội
Với những tác động tích cực, trực tiếp đến nền kinh tế và văn hóa, chợ đã gián tiếp tác động đến lĩnh vực chính trị - xã hội; có thể khẳng định bất cứ ở vào giai đoạn lịch sử nào mỗi khi nền kinh tế và văn hóa phát triển sẽ đưa lại sự ổn định về mặt chính trị và ngược lại. Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống chợ đã có tác động nhất định đến các chính sách của nhà nước nhất là ngành thương nghiệp và ngoại thương. Tại các điểm chốt giao dịch như của biển, cửa sông hay đầu nguồn triều đình phong kiến đã cho thiết lập các đồn canh, các sở ty ở gần chợ. gần các cảng biển... không chỉ với mục đích thu thuế mà còn canh giữ các thuyền bè, lái buôn trong nước và nước ngoài để giữ an ninh chính trị trong khu vực.
Ở phía bắc Quảng Trị, huyện Minh Linh ngay từ đầu nguồn sông Sa Lung xuôi đến nhánh rẽ sông Trường Lương tại địa phận thôn Bình An xã Vĩnh Chấp, trên quả đồi đất đỏ bazan, qua nhiều triều đại phong kiến có lập ở đây một đồn canh/ Cồn Đồn để thu thuế và kiểm tra tàu bè thương lái xuôi ngược mua bán dọc đôi bờ sông Trường Lương và Chợ Quán. Gần Chợ Quán có bến đò Lai Cách và Dinh phủ (theo người dân địa phương đây là dinh thự và công đường của một vị quan Phủ) để cai quản vùng đất này.
Thượng nguồn Hiếu Giang cũng có dinh Ai Lao, tuần Ngưu Cước, tuần Ba Giăng/ đồn Hiếu Giang, tuần cây Lúa. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có chép "Theo lệ các người buôn lĩnh giấy đến tuần đi lên nguồn mua bán hàng hóa, hàng năm nội thuế 110 quan, từ tuần đi hai ngày rưỡi đến sông Đại Giang thuộc địa giới nước Ai Lao, họ Nguyễn có đặt dinh đóng quân 6 thuyền ở đấy gọi là dinh Ai Lao. Phía hữu sông Hiếu Giang có tuần Cây Lúa ... Phía tả có tuần Ngưu Cước, Chân Trâu hàng năm nộp thuế 120 quan " (6). Về phía nam cảng Cửa Việt, có một Tuần thu thuế, kiểm tra hai bên bờ Cửa Việt; trước đây tại khu vực này nhà nước phong kiến có xây một bức án bằng đá có độ dài 15mx 0,5m để trấn an tại cửa biển cho tàu vào neo đậu buôn bán. Khu vực này nay là xóm Tuần của làng Hà Tây.
Ở phía nam có tuần Viên Kiệu nằm ở đầu nguồn huyện Hải Lăng cũng được nhà Nguyễn cữ quan trông coi và thu thuế các thuyền bè qua lại buôn bán với nhân dân dọc đôi bờ sông và người dân khai thác lâm thổ sản từ núi rừng.
Đối với một nước lấy nông nghiệp làm gốc và các nguồn thu để phục vụ đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp như ở Việt Nam thì việc thu thuế đối với thương nghiệp là điều hợp lý, công bằng với các tầng lớp nhân dân. Từ đây tạo sự ổn định trật tự trên toàn xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Trong hoạt động của chợ đã huy động hầu hết các thành phần xã hội tham gia, từ người giàu đến kẻ nghèo, từ thương nhân đến thợ thủ công... nên đòi hỏi phải có sự tham gia về mặt tổ chức, quản lý. Chợ cũng đã hình thành nên các làng nghề với đội ngũ thợ thủ công chuyên nghiệp và tầng lớp thương nhân - họ chính là tầng lớp trung gian để trung chuyển hàng hóa từ nơi cung cấp sản phẫm đến các chợ, các vùng miềm trên phạm vi trong nước và quốc tế.
Tóm lại: Mỗi khi cộng đồng dân cư có cuộc sống tập trung, ổn định về kinh tế, văn hóa xã hội thì chợ cũng xuất hiện và chính nó cũng thúc đẩy xã hội phát triển lên những bước mới. Chợ không chỉ là nơi chứa đựng không gian kinh tế, văn hóa, xã hội của một thời nhất định mà còn là nơi để mỗi người lưu lại những kỷ niệm những hình ảnh mộc mạc, thân quen về hình ảnh làng quê của mình. Để sau này dù đi đâu về đâu hình ảnh về đình làng, giếng nước, cây đa, chợ làng vẫn mãi trong tâm khảm của mỗi chúng ta./.
Cái Thị Vượng
Chú thích
1. Dương Văn An. Ô châu cận lục. Văn Thanh - Phan Đăng dịch và chú giải. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 91.
2, 5,6. Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 260, 261.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 9. Nha Văn hóa Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 67.
4. Đỗ Bang. Khai thác kinh tế khu vực Đường 9. Đặc san Báo Quảng Trị, năm 1992.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN