Cập nhật ngày: 7/17/2023 9:42:38 AM
Khi nhắc đến các thiết chế văn hóa của làng/xã chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi và thân thương làm nên biểu tượng của một làng quê đó là: cây đa, giếng nước, sân đình, chùa làng, miếu mạo... Chính những yếu tố đó đã góp phần tạo nên nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng biệt của từng làng/xã. Xuất phát từ lòng biết ơn, thành kính hướng tới những người có công lao mở mang lãnh thổ, khai lập làng và các vị thần linh đã phù hộ độ trì cho con dân trong làng được bình an để sống và phát triển sản xuất. Do vậy, việc dựng chùa, dựng đình, lập miếu thờ được dân làng Lan Đình triển khai từ rất sớm.
1. Đôi nét về sự hình thành và phát triển của làng Lan Đình
Lan Đình là một làng quê nằm ở vùng gò đồi đất đỏ bazan thuộc xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa giới hành chính về phía đông giáp với làng Phước Thị (xã Gio Mỹ); phía tây giáp làng Tân Lịch; phía bắc giáp làng Gia Môn; phía nam giáp thị trấn Gio Linh.
Lan Đình là một trong những làng xã của người Việt được hình thành tương đối sớm trên vùng đất Quảng Trị thông qua những chính sách di dân, mở mang lãnh thổ về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt. Làng Lan Đình lúc đầu mới thành lập có tên gọi là Hương Da. Theo ghi chép từ tư liệu chính sử, tên làng/xã Hương Da đã xuất hiện trong sách Ô Châu cận lục được tác giả Dương Văn An biên soạn vào năm Ất Mão (1555) là một trong 65 làng/xã thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình 1. Tìm hiểu về gia phả của một số dòng họ lớn trong làng như: Trần, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình… chúng tôi được biết các họ đã tồn tại cho đến nay khoảng 19 đến 20 đời (trung bình mỗi đời tính 25 năm), tức là khoảng gần 500 năm. Đối chiếu với sự xuất hiện tên làng qua tư liệu chính sử từ Ô châu cận lục có sự tương đồng với gia phả của một số dòng họ lớn trong làng nên chúng tôi khẳng định làng xã Hương Da/Lan Đình ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XV.
Đến thời chúa Nguyễn, tên gọi Hương Da được đổi thành Hương Đình. Theo ghi chép từ Phủ biên tạp lục của tác giả Lê Quý Đôn tên làng/xã Hương Đình là 1 trong 25 xã/phường thuộc tổng An Xá, huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình.
Sang thời Nguyễn, triều vua Minh Mạng (1835) huyện Minh Linh được chia tách thành 2 huyện: Địa Linh và Minh Linh, lúc bấy giờ làng Hương Đình thuộc địa giới hành chính của huyện Địa Linh. Năm 1886, thời vua Đồng Khánh (1886), cho đổi tên huyện Địa Linh thành Gio Linh, do vậy tên làng/xã Hương Đình thuộc tổng An Xá, huyện Gio Linh. Đến triều vua Khải Định, tên gọi Hương Đình được đổi thành Lan Đình 2.
Sau cách mạng tháng Tám, Lan Đình là 1 trong 9 làng thuộc xã Linh Phong. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Linh Giang và Linh Phong nhập thành xã Linh Châu, Lan Đình lúc này là 1 trong 12 làng thuộc xã Linh Châu 3. Dưới thời Việt Nam cộng hòa, thôn Lan Đình thuộc xã Gio Lễ, quận Gio Linh 4. Sau ngày đất nước thống nhất, thôn Lan Đình thuộc xã Gio Phong, huyện Gio Linh. Năm 2019, thôn Lan Đình thuộc xã Phong Bình, huyện Gio Linh.
Nguồn gốc dân cư hình thành nên làng Lan Đình chủ yếu từ vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh vào. Người có công khai lập làng và được dân làng tôn thờ là Ngài khai khẩn có tước hiệu là Thị Anh Bá Tôn Thần. Ông là người gốc Thanh Hóa nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nguồn tư liệu ghi chép nào ở địa phương hay chính sử ghi rõ tên thật của ông. Sau này, để ghi nhớ công lao khai lập làng nên khi mất, dân làng đã đắp mộ và lấy ngày 01 tháng 02 âm lịch hàng năm làm lễ tảo mộ ông. Ngoài ra, dân làng còn phong thờ thêm 7 người đứng đầu các họ làm hậu khai canh đó là: Trần Quý Công, Nguyễn Văn Ngút, Trần Công Luận, Nguyễn Đình Lãnh, Trần Công Khanh, Nguyễn Văn Đâu và Nguyễn Đình Lư 5.
Trải qua hàng trăm năm phát triển cùng lịch sử của dân tộc, làng Lan Đình đã hình thànhnên một làng quê có bề dày về lịch sử và truyền thống văn hóa. Khi làng xã nơi đây được hình thành thì cũng đồng hành theo đó là sự ra đời của các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Những công trình từng được xây dựng phải kể đến đó chính là đình làng, chùa, nhà thờ họ tộc, đền miếu… làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của con dân trong làng.
2. Các thiết chế văn hóa cổ truyền ở làng Lan Đình
* Ðình làng Lan Đình
Từ bao đời nay, khi nói đến văn hóa làng xã chúng ta liên tưởng ngay đến những hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình”. Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng mà đó còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của con dân trong làng.
Nguyên xưa, Đình làng toạ lạc trên vùng đất Cửa Đình, bao quanh phía sau là rú Lòi Đình với nhiều cây cối cổ thụ. Do điều kiện kinh tế khó khăn của thời kỳ đầu lập nghiệp, những người dân trên vùng đất mới hẳn đã không thể có đủ vật lực để xây dựng nên những ngôi đình có kiến trúc khang trang mà chỉ là sự tạo lập không gian thiêng để thờ cúng thần linh thông qua nền đình lộ thiên (đình trần) làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng để giải tỏa tâm lý cho những lớp người di cư vào vùng đất mới lập nghiệp. Sau giải phóng, con dân trong làng đã xây dựng đình tạm bằng gỗ theo kiểu nhà 3 gian, mái lợp tranh. Sau năm 1990, đình được xây dựng lại bằng xi măng, cốt thép, mái lợp ngói với diện tích khoảng 80m2 , gồm 3 gian: gian giữa thờ tiền khai khẩn, khai canh của làng, hai gian hai bên thờ thủy tổ của các dòng họ.
Năm 2020, khi cuộc sống của người dân trong làng dần ổn định, con cháu học hành thành đạt nên đã đóng góp kinh phí và xây dựng mới đình làng. Đình tọa lạc tại vùng đất xứ Lòi Đình, mặt tiền hướng về phía đông nam, phía trước đình là con sông Rào Cầu quanh co, uốn lượn, nguồn nước có quanh năm tạo nên sự mát mẻ, trong lành; đình tựa lưng vào rú lòi đình, tạo nên cảnh quan thơ mộng.
Từ ngoài đi vào là hai trụ cổng hình vuông, được đúc bằng bê tông tô vữa xi măng. Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên dân làng Lan Đình chỉ mới xây đình để làm nơi thờ cúng. Các hạng mục khác như cổng tam quan, hệ thống tường bao và sân chưa được xây dựng kiên cố như nhiều ngôi đình khác.
Kiến trúc của đình làng Lan Đình bao gồm một tòa đại đình nằm ngang dạng “chữ nhất”, được xây dựng theo lối kiến trúc của nếp nhà truyền thống vùng Trung bộ với kiểu nhà 3 gian 2 chái, diện tích 160m2. Kết cấu của đình làng được tạo bởi một bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép giả cấu kiện gỗ. Mái đình tạo dưới dạng hai tầng mái, ở giữa là đường cổ diêm; mái xuôi về bốn phía và lợp ngói móc màu đỏ. Diềm mái đắp vữa xi măng, ở 4 góc của mái có trang trí hoa văn dây lá, đỉnh mái trang trí đồ án lưỡng long chầu nhật. Lối dẫn từ sân vào đình là hệ thống các bậc cấp, gồm 5 bậc, kích thước mỗi bậc bằng nhau với chiều dài 7,2m, rộng 0,3m, cao 0,15m. Ở phía 2 đầu tạo hình 2 con nghê đứng chầu.
Mặt trước của tòa đại đình là hệ thống cửa làm bằng sắt (gồm 5 cửa), sơn màu giả gỗ. Hai phía đầu hồi tả hữu trang trí hình tượng thanh long bạch hổ. Bên trên cửa của ba gian giữa có trang trí 3 bức cuốn thư bằng kỷ thuật đắp vôi vữa. Trên các bức cuốn thư thể hiện các chữ Hán được viết theo lối đại tự: chính giữa là Lưu Phúc Lưu Ân; bên trái là Vạn Cổ Anh Linh; bên phải là Truy Niệm Tiền Ân.
Phối trí thờ tự bên trong đình làng được chia thành 3 gian chính. Gian giữa thờ tiền khai khẩn, khai canh của làng; hai gian hai bên thờ thủy tổ của các dòng họ. Ở mỗi gian thờ đặt 3 án thờ; hai án bên trong được xây bằng xi măng, cốt thép; án thờ ngoài cùng được làm bằng gỗ, mặt ngoài của án thờ trang trí hoa văn dây lá lồng trong các ô học. Bên trên các án thờ đặt những đồ tự khí bằng đồng. Phía trên tường của gian thờ chính giữa trang trí chữ Thọ theo lối đại tự, ở phía hai bên trang trí mô tip rùa đội hạc, xung quanh là hoa văn dây lá. Gian bên tả và gian bên hữu, phía trên tường trang trí giống nhau, ở chính giữa là chữ Thọ, hai bên là hình ảnh cây hoa mai, cây trúc và hoa văn dây lá bao quanh. Nối liền với các gian là bức liên ba được tạo dưới dạng các ô học và trang trí hoạ tiết hoa lá. Trên bức liên ba của ba gian giữa người ta gắn 3 bức cuốn thư có kích thước bằng nhau. Bức cuốn thư ở giữa đề các chữ Hán với nội dung: Thiên Ứng Thần Minh, bên tả: Dân Nguyện Phò Thờ, bên hữu: Mưa Thuận Gió Hòa.
Bộ khung chịu lực của đình làng được đặt trên các cột. Hệ thống cột bên trong đình được làm bằng bê tông giả gỗ, gồm 32 cột, trong đó có 18 cột áp tường và 14 cột độc lập chia thành 6 hàng. Hai hàng cột cái đặt ở hàng nhất tiền và hàng nhất hậu được liên kết với nhau bởi các thanh dầm ngang (trếng) và thanh dầm dọc (xuyên). Phía trên cùng của xuyên, trếng có rầm thượng được làm bằng bê tông giả gỗ. Hai hàng cột quân của hàng nhất tiền và hàng nhất hậu có chiều cao thấp hơn cột cái nhằm tạo ra độ dốc cho mái nhà và được nối với cột cái bằng hệ thống xà nách. Toàn bộ hệ thống kèo, cột, dầm ngang, dầm dọc đều làm bằng bê tông giả gỗ; đế cột đắp vữa xi măng cao 0,05m. Kết cấu gian chái tạo dưới dạng các tay kèo đấm, quyết thiệt được nối dài và vươn ra phía bên ngoài bằng 2 tay kèo nhằm mở rộng diện tích, làm cho không gian đình được mở ra thành 7 gian: 3 gian chính, 4 gian chái. Hai kèo đấm nối từ cột hàng nhất kéo về phía gian chái, 2 góc có 2 tay kèo quyết nối từ cột hàng nhất về phía gian chái. Đi cùng với kèo đấm, quyết là cột đấm và quyết. Hệ thống cột đấm, quyết hàng nhì được áp lên tường gạch. Trên thân của hai cột cái hàng nhất hậu ở gian giữa có khắc 2 câu đối bằng chữ Hán: Thiên Niên Phúc Tổ Sinh Nhân Kiệt (bên trái), Vạn Đại Hương Đình Phát Thịnh An (bên phải) (Phúc tổ sinh nhân kiệt nghìn năm, Đình làng phát giàu yên muôn thuở).
Như vậy, đình làng Lan Đình đã trải qua nhiều lần xây dựng, trùng tu và di chuyển địa điểm nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống của vùng Quảng Trị. Ðó thực sự là một trong những thiết chế văn hóa cổ truyền có giá trị mà các thế hệ ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn.
* Chùa Lan Đình
Nếu đình thường được xây cất ở nơi thuận tiện cho dân làng qua lại, thì chùa thường được thiết lập ở những khu đất cao, trên những gò, đồi rộng, trong không gian im ắng, tĩnh mịch. Những làng không có thế đất cao như cồn, đồi thì chùa thường cất ở giữa quãng đồng không để được thanh tịnh. Chùa làng Lan Đình được xây dựng cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Chùa tọa lạc trên vùng đất thuộc xóm Chùa, nơi có thế đất cao ráo, yên lành. Mặt chùa quay về hướng đông bắc, phía trước là cánh đồng ruộng lúa xanh tốt, phía sau lưng là khu dân cư đông đúc bao bọc.
Cũng giống như bao ngôi chùa làng khác trên vùng đất Quảng Trị, ban đầu khởi dựng chùa chỉ là ngôi nhà nhỏ, vật liệu chủ yếu là gỗ, tranh, tre,... Càng về sau, khi đời sống kinh tế dần ổn định dân làng Lan Đình mới có điều kiện xây dựng lại chùa kiên cố hơn theo kiểu thức nhà rường truyền thống miền Trung với hệ thống khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói liệt. Ngôi chùa này tồn tại cho đến năm 1947, khi quân Pháp bắt đầu mở rộng tấn công ra vùng Quảng Trị, chính quyền Cách mạng thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, tiến hành phá bỏ các công trình văn hóa, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, nhà thờ các dòng họ để tránh quân Pháp đến đóng quân. Do vậy, trong thời gian này dân làng đã quyết định phá chùa. Sang đến thời kỳ chính quyền VNCH, nhân dân làng Lan Đình đã dựng lại chùa bằng hệ thống cột gỗ, tường xây đá ong kết hợp với vôi vữa, mật mía, mái lợp ngói. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với mức độ tàn phá ác liệt của bom đạn nên chùa làng Lan Đình đã bị hư hại phần nhiều. Sau giải phóng, người dân trong làng đã tận dụng các cột gỗ để đưa đi xây trường học nên chùa chỉ còn lại dấu vết của nền chùa. Mãi đến năm 2009, nhờ kinh phí cúng dường của con dân trong làng và những người con đi làm ăn xa hỗ trợ để xây dựng mới chùa. Chùa Lan Đình đặt dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị và có sư trụ trì là Đại đức Thích Thiện Lạc.
Nhìn tổng thể theo hướng từ ngoài vào trong, ngôi chùa bao gồm các công trình: cổng tam quan, hệ thống tường rào, đài quán thế âm bồ tát, tháp chuông, phật điện, nhà linh và nhà tăng.
Cổng chùa được xây dựng theo kiểu tam quan, tạo thành 3 lối ra vào, phân định giữa 3 lối đi này là các trụ biểu, được xây bằng bê tông cốt thép, bề mặt đắp vữa tạo các ô học để giảm độ thô ráp và tạo sự mềm mại nhằm tính thẩm mỹ. Qua khỏi cổng là bước qua ranh giới giữa cõi thiền và cõi tục, là ngưỡng của thiêng liêng, siêu thoát, là phương châm tu hành cho các tăng ni cũng như du khách hành hương dẫn vào thế giới Phật.Bên trái cổng đặt 2 bức tượng Quán thế âm bồ tát; bức tượng phía trước cao hơn bức phía sau. Hình tượng Quán thế âm bồ tát tay trái cầm bình cam lồ, tay phải bắt ấn, đứng trên đài sen biểu tượng cho hành vi cứu nhân độ thế. Phía trước tượng bồ tát đặt một án thờ nhỏ để các phật tử đến thắp hương. Bên phải cổng chùa là tháp chuông. Đại hồng chung này là do thầy Thích Thanh Toàn cúng dường. Chuông được đặt cao hơn so với mặt sân khoảng 1,6m, bên trên có mái che hình lục giác.
Tiếp đến là sân chùa khá rộng, khoảng sân này giành cho các phật tử đến sinh hoạt Phật giáo định kỳ, trong sân chùa có trồng một số cây thông, cây bồ đề để tạo bóng mát khắp sân. Những loại cây này có thể giúp cho Phật tử và tăng ni cảm giác như bước vào một thế giới thiện lành, trong sáng và khởi lòng thanh tịnh để thành kính hướng về cõi Phật.
Ði qua khoảng sân rộng là đến công trình chính của ngôi chùa. Kiến trúc chùa làng Lan Đình là một tòa đại điện được xây dựng theo mô thức truyền thống 3 gian, bố trí theo chiều dọc. Tiền đường là không gian để thờ phật; hậu điện ở phía sau được sử dụng làm nơi thờ Tổ sư Đạt Ma. Bộ mái tạo kết cấu dạng 2 tầng mái, ở giữa là đường cổ diêm hình ô học được trang trí các tiểu cảnh liên quan đến các điển tích nhà Phật; đường bờ nóc và diềm mái vuốt cong trang trí hình rồng và phụng. Phần đỉnh mái trang trí rồng chầu hổ phù, hổ phù đội bánh xe luân hồi. Mái lợp ngói móc màu đỏ. Mặt trước của ngôi chùa là hệ thống cửa bản khoa theo kiểu thượng song hạ bản trải dài cả 3 gian. Về phía hai đầu hồi của mái hiên đặt 2 bàn thờ: ông Hộ Pháp ở bên trái và ông Tiêu Diện ở bên phải.
Phối trí thờ tự bên trong chính điện nổi bật thông thoáng với 3 gian thờ. Gian giữa là nơi thờ Phật, đặt 3 hàng tượng của đức Phật: Hàng thứ nhất ở giữa đặt tượng Thích ca mâu ni, phía sau Phật Thích ca là bức tranh in gốc cây bồ đề. Hàng thứ hai: Ở giữa là tượng A Di Đà, bên phải là tượng Quan Thế Âm bồ tát, bên trái là tượng Đại Thế chí Bồ Tát. Hàng thứ ba: Ở giữa đặt tượng Phật Chuẩn đề bồ tát. Phía ngoài cùng của gian giữa đặt một bàn để bức tượng Di lặc và hai bên là hai kệ chuông, mõ. Gian phía bên phải thờ tượng Quan Thế Âm bồ tát. Gian phía bên trái thờ tượng Địa Tạng vương bồ tát. Cả hai tượng thờ này đều ở trong tư thế đứng. Phía ngoài cùng, gần hai đầu hồi của tiền đường đặt một bộ chuông và trống.
Nối liền ba gian là bức liên ba được tạo dưới dạng các ô học, bên trong ô học trang trí hình ảnh dây lá, hoa sen bằng kỹ thuật chạm lộng. Trước liên ba ở gian chính giữa có gắn bức cuốn thư đề 4 chữ Hán Đại Giác Thế Tôn.
Gian phía sau của Phật điện là hậu điện hay còn gọi là hậu liêu. Ở chính giữa gian này đặt một án thờ, trên án thờ đặt 2 bức tượng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma; một bức trong tư thế đứng và một bức trong tư thế ngồi. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa, về bên phải là nhà Tăng, đây là nơi nghĩ ngơi của thầy trụ trì; bên trái là hội quán, nơi nghĩ ngơi của gia đình Phật tử. Phía bên trái chùa là nhà linh - nơi thờ các vong linh không nơi nương tựa và các vong linh ký tự.
Chùa làng Lan Đình là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân thôn Lan Đình và thiện nam tín nữ quanh vùng. Hàng năm, tại chùa, lễ được tổ chức định kỳ vào các dịp: ngày đầu năm mới tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan thường được tổ chức lớn; các ngày sóc vọng hàng tháng, chùa tổ chức sinh hoạt tụng kinh, sám hối, cầu an cho phật tử.
Như vậy, kể từ khi làng Lan Đình được thành lập, đồng nghĩa với việc các thiết chế văn hóa của làng ra đời, trong đó, có chùa Lan Đình. Mặc dù với những biến thiên của thời cuộc, của ly loạn trên vùng đất này đã làm thay đổi tất cả những gì vốn có của nó nhưng dẫu sao, sự tồn tại và phát triển của chùa làng Lan Đình vẫn được đông đảo dân làng và phật tử quanh vùng đón nhận, gửi gắm niềm tin và ước vọng về một cuộc sống bình yên cho tất cả mọi người.
* Nhà thờ họ
Nhà thờ họ là công trình được xây dựng dùng làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng của họ tộc. Ðó là nơi thờ thuỷ tổ dòng họ và các vị thần linh thuộc đối tượng của hệ thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (hay còn gọi là đạo thờ cúng tổ tiên); nơi tổ chức các hoạt động cúng tế, hội họp của thành viên họ tộc trong các dịp giỗ, chạp, sóc vọng... và cũng chính là nơi thờ gia phả của dòng tộc.
Cũng giống như nhiều vùng đất khác trong tiến trình mở rộng về phía nam của tổ quốc, các dòng họ ở làng Lan Đình mang nhiều dáng vẻ khá đa dạng. Ðó là sự đa dạng về thời gian ra đời sớm muộn, về số lượng nhiều ít, quy mô to nhỏ, về sự chia tách, về sự tồn tại dài ngắn và khác nhau trong sự vận hành của lịch sử các dòng họ. Chính điều này đã làm cho kiến trúc nhà thờ họ cũng rất đa dạng về lịch sử xây dựng, quy mô kiến trúc. Lúc mới lập, làng có 7 họ chính họ: 3 họ Trần và 4 họ Nguyễn. Đến khoảng đầu thế kỷ thứ XIX, trong làng có thêm họ Lê gia nhập nên làng có tổng cộng là 8 họ. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội nên có một số họ từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống tại làng Lan Đình, lâu dần, hình thành nên các dòng họ mới như: Đinh, Ngô…
Về lịch sử xây dựng: Cho đến thời điểm này, vẫn chưa tư liệu nào ghi chép về móc thời gian xây dựng nhà thờ họ của từng dòng họ. Tuy nhiên, theo nhận định của một số người lớn tuổi trong làng cho rằng, nhà thờ họ ra đời sau đình làng. Nhà thờ họ ra đời khi các số lượng người trong các dòng họ đã khá đông đúc, cần có một ngôi nhà chung để sinh hoạt tín ngưỡng và tổ chức những hoạt động liên quan đến gia tộc. Nguyên xưa, khi mới thành lập làng, số lượng người trong các dòng họ không nhiều nên nhà thờ họ cũng rất ít; nhưng vào những thời gian sau đó, số lượng người trong dòng họ tăng lên và các lớp người già mất đi nên việc xây dựng nhà thờ để làm nơi thờ cúng tổ tiên của dòng họ là điều vô cùng cần thiết.
Về quy mô: Tùy theo khả năng tài chính của từng dòng họ sẽ quyết định quy mô kiến trúc xây dựng của nhà thờ. Mặt khác, vị thế của từng dòng họ, vị thế của các cá nhân trong họ tộc ấy trước cộng đồng làng - nước là một yếu tố quan trọng chi phối một cách mạnh mẽ đến công trình kiến trúc nhà thờ. Tổ chức dòng họ bằng quyền lực và sự liên hệ sâu xa, mang tính huyết thống đã ràng buộc, gắn kết các cá nhân và gia đình lại với nhau, giúp cho các cá nhân gia đình có chỗ đứng cao thấp, tiếng nói khác nhau trong cộng đồng xã hội. Nhiều dòng họ lớn, lâu đời và không ít dòng họ trong số đó đã được đề cao, nổi tiếng nhờ sự đỗ đạt, thành danh, cống hiến... của các thành viên trong dòng họ cho quê hương đất nước nên việc xây dựng nhà thờ họ là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các thành viên để tỏ sự kính trọng sâu nặng đối với ông bà tổ tiên, tạo ra mối cộng cảm, sự liên kết thâm sâu, bền chặt về mặt tinh thần nhưng đồng thời cũng để thị uy vai trò, vị thế cá nhân của các thành viên dòng họ ấy trước cộng đồng làng - nước.
Trải qua nhiều cuộc biến động về lịch sử, xã hội, nhất là sự huỷ hoại của chiến tranh nên nhìn chung, kiến trúc các nhà thờ họ phần lớn đã bị hư hại. Hiện nay, trong làng có 7 nhà thờ họ được xây dựng mới. Hầu hết, các nhà thờ họ được xây theo kiểu kiến trúc nhà truyền thống 3 gian, 2 chái; kết cấu được tạo bởi bộ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép tạo giả theo cấu kiện kiến trúc gỗ. Mái nhà xuôi về bốn phía, lợp ngói vảy cá hoặc ngói mốc. Diềm mái đắp vữa xi măng, 4 góc của mái trang trí hình ảnh “tứ linh” hoặc giao hồi văn, giao lá; trên đỉnh mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật hoặc lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống cửa ra vào được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Các song cửa cũng như ván bưng tuy không trang trí hoa văn nhưng được chạm khắc tỉ mĩ bằng các đường xoi chỉ rất tinh xảo.
Phối trí thờ tự bên trong nhà thờ họ được chia làm 3 gian. Gian giữa thờ bài vị tổ tiên và là nơi đặt cuốn gia phả của dòng họ, đây được xem là nơi linh thiêng nhất vì có linh hồn của tổ tiên ngự trị. Hai gian hai bên thờ các phái. Bên trên các gian thờ có bức liên ba trang trí hình dây lá. Các nhà thờ họ được bao bọc bởi hệ thống tường rào xung quanh. Cổng chính ra vào nhà thờ được xây dựng bằng trụ biểu. Sau cổng có bức bình phong được đắp bằng gạch, xi măng, được trang trí bằng kỹ thuật đắp vữa, ghép mảnh sành sứ với các hình ảnh “long mã chở lạc thư”, “hổ phù”.
Như vậy, so với đình làng thì kiến trúc của các nhà thờ họ có cùng một mẫu số chung về quy cách, kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên về quy mô nhà thờ họ nhỏ hơn đình làng nhưng dù sao thì đây cũng là một loại hình kiến trúc văn hoá truyền thống không thể thiếu trong cộng đồng dân cư.
* Miếu Thành hoàng
Theo quan niệm của người dân làng Lan Đình, Thành hoàng là một vị nhiên thần. Ông là người cai quản lãnh thổ của làng và là người bảo vệ, phù hộ, độ trì cho cả cộng đồng làngnên được lập miếu thờ tại vùng đất Lòi Đình. Hiện nay, khi đình làng được xây dựng và mở rộng khuôn viên nên miếu Thành hoàng nằm trong khuôn viên của đình làng.
Cho đến nay, vẫn chưa có nguồn tư liệu ghi chép nào ở làng lưu giữ lại thời gian dựng miếu. Theo một số cụ cao niên trong làng, miếu Thành hoàng được dựng từ rất lâu đời. Ban đầu vật liệu chính được sử dụng để lập miếu là gỗ, tranh, tre. Sau giải phóng, con dân trong làng đã tu sửa lại miếu bằng chất liệu xi măng, cốt thép. Năm 2020, khi đình làng được xây lại mới thì miếu Thành hoàng cũng được cải tạo và sơn mới lại. Miếu được xây dựng theo kiểu gác lững. Phía trên mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật bằng kỷ thuật đắt ghép vôi vữa. Đường diềm mái gắn hoa văn dây lá. Bộ mái đổ bằng và lợp ngói vảy cá. Khán thờ có cửa mở, bên trong đặt 1 lư hương và 1 lọ hoa. Phía trước miếu thờ có 1 bức bình phong; mặt ngoài trang trí hình con hổ, mặt trong ghi dòng chữ “Đinh Sửu 1997”.
* Miếu tiền khai khẩn
Vào khoảng đầu thế kỷ XVI, với chính sách khai hoang mở mang lãnh thổ về phương nam của triều Lê sơ, một số người dân ở Đàng Ngoài đã di cư vào Đàng Trong sinh sống, lập nghiệp. Người có công lao đầu tiên để khai khẩn đất đai quy tụ con cháu đến sinh sống và lập ra làng Lan Đình ngày nay đó là ông: Thị Ân Bá Tôn Thần. Sau khi ổn định dân cư, ông còn khai hoang mở rộng đất đai chiêu mộ dân đến sinh sống và dần hình thành nên các xóm. Để ghi nhớ công ơn của Thị Ân Bá Tôn Thần, sau khi ông mất, dân làng đã phong ông là Tiền khai khẩn và phong mộ tại xóm chùa để thờ cúng. Hàng năm đúng vào ngày mồng 1 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của Ông, dân làng tụ tập về miếu để cúng tế nhằm tỏ lòng biết ơn người có công khai dựng làng.
Nguyên xưa, Mộ của ngài Tiền khai khẩn được đắp bằng đất. Năm 1987, dân làng đã cải tạo lại và đắp mộ bằng xi măng. Năm 2004, con dân trong làng tiếp tục tiến hành cải tạo lại bằng cách mở rộng khuôn viên, xây lăng và dựng án thờ bên trên để thắp hương, thờ cúng.
* Miếu bà Hỏa
Xuất phát từ công việc làm nông nghiệp nên người dân làng Lan Đình sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, những hiện tượng thời tiết như: sấm sét, hỏa hoạn… bà con sẽ không lường trước được và cũng không thể chế ngự được nên tạo ra tâm lý sợ hãi. Từ chỗ sợ hãi, họ nghĩ đến cần phải thờ cúng, tôn thần cho các hiện tượng tự nhiên để cầu cạnh thần linh phù trợ đem lại sự bình an cho con người.
Về thời gian dựng miếu, cho đến nay, vẫn chưa có nguồn tư liệu ghi chép nào ở làng lưu giữ lại. Theo một số cụ cao niên trong làng, miếu bà Hỏa được dựng từ rất lâu đời. Ban đầu vật liệu chính được sử dụng để lập miếu chủ yếu là gỗ, tranh, tre. Sau giải phóng, con dân trong làng đã tu sửa lại miếu bằng chất liệu xi măng, cốt thép.
Về kiến trúc, miếu bà Hỏa cơ bản giống với miếu Thành hoàng. Miếu được xây dựng theo kiểu gác lững. Bộ mái xuôi về 4 phía và được lợp ngói vảy cá. Đường bờ nóc và diềm mái vuốt cong trang trí hình rồng, phụng; phần đỉnh mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật bằng kỷ thuật đắp ghép vôi vữa. Khán thờ đặt 1 lư hương, 1 lọ hoa; mặt ngoài khán thờ có cửa 2 lá mở vào bên trong. Khán thờ được đặt trên bộ khung chịu lực gồm 4 trụ tròn. Lối dẫn vào miếu là cổng, gồm 2 cột trụ đúc bằng bê tông, bên trên đầu trụ gắn hình 2 búp sen. Từ cổng đi vào là bức bình phong tạo dáng hình cuốn thư; mặt trước bình phong đắp nổi chữ Hán bằng kỷ thuật vôi vữa.
* Ðàn âm hồn
Đàn âm hồn là nơi để thờ các vong linh phiêu dạt, vất vưởng tha hương, không có con cháu thờ tự như: các chiến sĩ, đồng bào hy sinh trong chiến tranh, những người chết do bệnh tật, thiên tai, những người xiêu mồ lạc mã.
Đàn Âm hồn được xây dựng trên nền đất cao ráo thuộc xứ đất Lòi Đình. Về thời gian dựng Đàn Âm hồn cho đến nay vẫn chưa có nguồn tư liệu nào ở làng Lan Đình ghi chép lại. Theo một số cụ cao niên ở làng cho biết, Đàn Âm hồn được xây dựng từ thời Nguyễn nhưng trong chiến tranh đã bị tàn phá nên sau giải phóng người dân làng Lan Đình mới dựng lại và cúng tế hàng năm vào ngày 20-2 ÂL. Kiến trúc của Đàn Âm hồn rất đơn giản, gồm 3 án thờ đúc bằng bê tông, bên trên các án thờ đặt 1 lư hương, lư đèn để thắp hương. Lối vào đàn âm hồn là cổng gồm 2 trụ biểu đúc bằng bê tông, bên trên trụ biểu có gắn hình 2 búp sen. Từ cổng vào là bức bình phong được tạo dưới dạng hình cuốn thư, ở chính giữa ghi chữ Thọ lồng trong khung hình tròn. Bao quanh khuôn viên của đàn âm hồn được xây tường gạch.
Như vậy, các thiết chế văn hóa cổ truyền là một bộ phận không thể tách rời trong tâm thức của người dân làng Lan Đình; đó chính là nơi để họ thể hiện niềm tin, khát vọng, khát khao và quan niệm về chân - thiện - mỹ. Ngày nay, khi đời sống kinh tế xã hội đã phát triển đồng nghĩa với việc các yếu tố văn hóa cũng có sự biến đổi để phù hợp với lối sống mới nhưng vẫn giữ được nét thuần phong mỹ tục của làng. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng tại các đình, chùa, miếu của làng là trách nhiệm của tất cả mọi người dân nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và gắn kết tình làng nghĩa xóm./.
Nguyễn Thị Hằng
Chú thích
1. Dương Văn An. Ô Châu cận lục. Văn Thanh - Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr. 47.
2. Dẫn theo tư liệu ghi chép của ông Nguyễn Xuân Lai: Lý do đổi tên từ Hương Đình sang Lan Đình là do chữ Hương trong Hương Đình kỵ với tên húy trong triều nên đổi từ Hương Đình sang Lan Đình.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Gio Phong. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Gio Phong (1930 - 2015). Quảng Trị, 2017, tr. 13.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Gio Phong. Sđd, tr. 14.
5. Dẫn theo nguồn tư liệu đánh máy được lưu giữ tại đình làng Lan Đình.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN