Cập nhật ngày: 12/14/2022 6:20:44 PM
Cũng giống như hầu hết các tộc người cư trú trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, từ xa xưa cho đến ngày nay người Bru - Vân kiều và Pa Cô sinh tồn chủ yếu dựa vào 3 điểm tựa là: tự nhiên, cộng đồng và hệ tín ngưỡng dân gian. Điểm tựa tự nhiên gồm đất, rừng, nước, muông thú… là những yếu tố cơ bản để duy trì sự sống. Điểm tựa thứ 2 là cộng đồng tộc người bao gồm dòng họ, tập quán, luật tục… Điểm tựa thứ 3 là hệ tín ngưỡng dân gian, đó là tập hợp những quan niệm liên quan đến đời sống tinh thần và tâm linh; có thể là đức tin, là sự sợ hãi, sự răn đe của các thông lệ, phong tục tập quán giúp kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Đây là một trong những chỗ dựa vô hình, nhưng lại có tác động rất lớn đến đời sống và nhân cách của mỗi con người.
Trong xã hội truyền thống của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô, ba điểm tựa này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, đồng thời là điều kiện căn bản giúp cho một cá nhân, một cộng đồng vượt qua các khó khăn để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Thế nhưng, cùng với sự biến mất của những cánh rừng và sự biến đổi mạnh mẽ của không gian, cảnh quan cư trú đã tác động rất lớn, làm cho không gian sinh tồn, cũng là không gian văn hóa - xã hội của họ bị phá vỡ sâu sắc. Bên cạnh đó, cộng đồng tộc người, với thiết chế tự quản là luật tục dường như phần nào đang mất dần đi sự vững chắc khi nó không còn được biết đến và tuân thủ, cũng như sự xâm nhập của các giá trị mới trong quá trình giao lưu văn hóa tộc người.
Dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa tại các xã trên địa bàn hai huyện Đakrông và Hướng Hóa từ năm 2012 trở lại đây, bài viết chủ yếu bàn đến điểm tựa quan trọng thứ 3: hệ tín ngưỡng dân gian của người Bru - Vân Kiều, Pa Cô và những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi.
Hệ tín ngưỡng dân gian của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô
Trong xã hội của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô trước khi có sự xâm nhập của người Kinh, với những hình thức văn hóa mới và các tôn giáo độc thần, hệ tín ngưỡng dân gian của người bản địa nơi đây dựa trên niềm tin vạn vật hữu linh. Thế giới tự nhiên với rừng là môi sinh nền tảng đời sống tôn giáo của họ. Người Bru - Vân Kiều và Pa Cô là những “người con” của rừng, sống cùng rừng. Vì thế, nếu như người Kinh ở đồng bằng coi đó như vùng đất nhiều hiểm nguy - rừng thiêng nước độc, thì với người dân bản địa ở đây, rừng là sự sống, là nơi con người cư trú, sản xuất, sinh hoạt và là không gian thiêng. Rừng không chỉ bao phủ không gian sống, đồng hành cùng thời gian sống, mà còn là nguồn khơi mạch và bảo tồn thế giới tâm linh của họ. Đó là không gian lý tưởng của các quan niệm tâm linh và thực hành tôn giáo.
Trong thế giới thấm đẫm yếu tố tôn giáo đó, đối với người Bru - Vân Kiều và Pa Cô, mọi vật từ ngọn núi, dòng sông, cánh rừng… đến gốc cây, hòn đá… đều có linh hồn, có thần; mọi hiện tượng xảy ra trong tự nhiên (như mưa, gió, sấm chớp…), trong đời sống xã hội (như sự xuất hiện, tồn tại, phát triển và mất đi của mỗi con người, mỗi cộng đồng…) đều được tạo ra và được điều khiển bởi các vị thần. Các vị thần có thể có những tác động tốt hoặc xấu đến cuộc sống, đến quá trình tồn tại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả cộng đồng tùy thuộc vào quan hệ của họ vào các vị thần đó. Vì thần linh có ở khắp mọi nơi, có thể nhìn thấy và nghe thấy tất cả.
Như vậy, trong xã hội cổ truyền, người Bru - Vân Kiều và Pa Cô luôn chịu ảnh hưởng của đa thần giáo. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với thần linh, họ thực hành rất nhiều các nghi thức cúng tế. Chẳng hạn như các nghi lễ gắn với chu kỳ khai hoang, phát rẫy và canh tác. Ở các công đoạn sản xuất, người ta phải cúng thần núi, thần cây, thần nước; cúng khi chọn đất, phát rẫy, tra hạt; cúng cầu mưa; cúng lúc thu hoạch; cúng mừng cơm mới. Trong chu kỳ đời người, ngay từ lúc mới sinh ra người Bru - Vân Kiều và Pa Cô cũng phải làm lễ để thờ thần bản mệnh, trong những lúc ốm đau họ sẽ cúng thần bản mệnh để cầu mong sức khỏe… Trong bất kỳ mọi hoạt động sản suất hay sinh hoạt thường ngày người ta còn tâm niệm và kiêng cữ rất nhiều điều như: đối với người Bru - Vân Kiều việc chọn đất làm rẫy sẽ được quyết định bởi giấc mơ vì họ tin rằng giấc mơ là điềm báo của thần linh. Giấc mơ xấu (mơ thấy đánh nhau, bơi sông không qua, trèo đèo bị ngã, hỏa hoạn, mơ đám cưới...), đám rẫy sẽ không được chọn; ngược lại giấc mơ đẹp (mơ gặp bạn bè, mơ gặp người yêu, mơ đám ma...) là điềm tốt và đám rẫy sẽ được chọn. Trong mỗi vụ thu hoạch lúa rẫy, trước đây người Bru - Vân Kiều và Pa Cô chỉ tuốt bằng tay, không dùng vật sắc nhọn cắt lúa vì họ tâm niệm rằng nếu cắt thì sẽ làm thần lúa đau; trong quá trình chăm sóc cây lúa họ cũng tránh không bón phân vì sợ làm bẩn thần lúa, sợ thần lúa bỏ đi gây mất mùa… Trong tục thờ bản mệnh cấm không được cho phụ nữ chạm tay vào bát linh hồn vì họ quan niệm người phụ nữ giơ bẩn nếu chạm vào thì thần bản mệnh sẽ bỏ đi và như vậy sẽ gây ra đau ốm, bệnh tật… Và mỗi điều kiêng cữ nếu lỡ vi phạm đều phải làm các nghi lễ cúng tế để tạ tội với thần linh. Nhìn chung, tất cả mọi việc trong đời sống hàng ngày, một chuyến đi xa, một lần làm nhà, một cuộc đi săn, một vụ sản xuất v.v.. nhất nhất phải được mở đầu bằng một lễ hiến sinh nhằm tranh thủ sự hợp tác của thần, bởi lẽ trong mọi tình huống đều có sự can thiệp của thần.
Hơn nữa tâm thức đa thần đã in sâu đậm trong toàn bộ vũ trụ quan, nhân sinh quan của họ, trong cách họ ứng xử với thế giới tự nhiên, với cộng đồng, kể cả trong luật tục, một thiết chế hữu ích để quản lý cộng đồng: “Luật tục dựa vào tín ngưỡng đa thần ở hai khía cạnh: phục tùng ý nguyện thần linh, đồng thời cũng nhờ thần linh để tạo nên sức mạnh cũng cố mối quan hệ cộng đồng. Vì xét cho cùng, ý nguyện của thần linh và cộng đồng là một” 1. Do đó “kẻ có tội có thể che mắt được người trần tục chứ không thể giấu được thần linh”. Bởi vậy, nổi ám ảnh bị thần linh trừng phạt đã khiến những con người của rừng biết tôn kính, biết sợ hãi và biết điều chỉnh hành vi của bản thân cho hợp chuẩn mực của cộng đồng. Bị sự trừng phạt của thần linh, sự trừng phạt của cộng đồng là nổi ám ảnh đáng sợ nhất trong cuộc đời mỗi cá nhân. Chính vì vậy, người Bru - Vân Kiều và Pa Cô trước đây cho rằng tôn sùng, phục tùng theo ý nguyện của thần linh là cách tồn tại an toàn nhất trong thế giới mà thế lực làm chủ là các đấng thần linh.
Tuy nhiên, đến với bản làng của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô ngày nay dường như thế giới tâm linh của họ đã vơi đi rất nhiều. Không gian thiêng khi xưa dường như nhạt hẳn tính huyền bí bởi sự vắng mặt của những cánh rừng đại ngàn. Những ngôi nhà sàn được thay thế bằng những ngôi nhà trệt mái lợp tôn. Trang phục truyền thống tinh tế chỉ thỉnh thoảng thấy trong các dịp lễ hội hoặc đám cưới. Hình ảnh phổ biến là thanh niên các tộc người thiểu số trong trang phục giống người Kinh, với mái tóc nhuộm màu, sử dụng thành thạo điện thoại di động… Họ dường như không biết và không quan tâm nhiều đến truyền thống văn hóa tộc người. Những nổi ám ảnh đã chế ngự ông bà, cha mẹ họ trong một giai đoạn lịch sử lâu dài đã không còn đóng vai trò quyết định và chi phối đến những chủ nhân hiện tại và tương lai của hai tộc người này.
Những tác động và sự biến đổi
Môi trường sống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc ở miền Tây Quảng Trị chính là bản làng của họ cùng với hệ sinh thái rừng và đất rừng, thung lũng, sông suối xung quanh. Theo nhà dân tộc học Ngô Đức Thịnh: “Một khi không gian sinh tồn ấy bị thu hẹp và xâm phạm thì nó trực tiếp đe dọa tới sự tồn vong của cộng đồng cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần”. Thực tế cho thấy, không gian sinh tồn của các cộng đồng người dân tộc ở miền tây Quảng Trị đang bị thu hẹp một cách đáng kể.
Trước hết có thể dễ dàng nhận ra, tâm thức rừng đậm đặc một thời nay còn khá mờ nhạt. Nếu như trước đây, khi rừng còn chiếm diện tích lớn, ở đó có nhiều loại động vật hoang dã sinh sống, việc khai phá rừng làm rẫy còn phổ biến, người dân phải tiến hành nhiều lễ cúng. Nhưng từ những thập niên 90 của thế kỷ XX trở đi, các nghi lễ có liên quan cũng giảm dần thậm chí một số nghi lễ đã không còn. Có thể thấy rõ điều này trong thực tế tại hầu hết các bản làng của hai tộc người Bru - Vân Kiều và Pa Cô. Tại xã Hướng Hiệp, trước đây các nghi lễ liên quan đến sản xuất lúa rẫy đều thực hành rất đầy đủ từ lễ cúng rẫy, lễ lấp lỗ, lễ cầu mưa, lễ mừng cơm mới, lễ mở kho thóc, nhưng những năm 2000 trở đi hầu như đã bỏ phần lớn chỉ còn giữ lại lễ cúng cơm mới. Hay liên quan đến các hoạt động săn bắt thú rừng, trước đây dù là săn tập thể hay săn bắt cá nhân thì dân làng luôn phải thực hiện nghi lễ cúng thần rừng vào đầu mùa săn; tuy nhiên, nghi thức này hiện đã không còn được duy trì vì diện tích rừng đã bị thu hẹp, số lượng các loài thú rừng giảm dần, vậy nên các hoạt động săn bắt không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống các cư dân nơi đây.
Việc chuyển đổi canh tác nương rẫy sang làm ruộng nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa rẫy qua trồng sắn, cà phê hoặc các cây trồng công nghiệp khác cũng khiến tâm thức về thần linh dần biến mất. Trong đời sống của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô, gắn liền với hoạt động sản xuất lúa rẫy là việc thực hành cả một hệ tín ngưỡng dân gian truyền thống. Từ lễ chọn đất, cúng rẫy đến các nghi lễ cúng tế liên quan đến quy trình canh tác phát - cốt - đốt - trĩa và kéo dài trong quá trình phát triển của cây lúa cho đến khi kết thúc vụ thu hoạch bằng một nghi lễ mang tính cộng đồng cao - lễ mừng cơm mới. Ngoài ra, liên quan đến hoạt động sản xuất lúa rẫy còn có các kiêng cữ thể hiện niềm tin tuyệt đối của người dân đến các vị thần linh… Tuy nhiên qua kết quả các đợt điều tra thực địa chúng tôi nhận thấy rằng tại hầu hết các bản làng của hai tộc người thiểu số vùng miền tây Quảng Trị hiện không cúng rẫy nữa vì theo các vị già làng: không làm lúa rẫy là không cúng vì làm lúa nước không có thần.
Trước kia vì tin vào sự tồn tại khắp nơi của thần linh (yang), nên đời sống của họ bị chi phối và luôn được giải quyết bằng những phương cách tâm linh, thông qua luật tục. Nếu vi phạm luật tục thì cá nhân sẽ bị thần linh quở trách, những điều xui xẻo sẽ đến với bản thân và gia đình. Hiện nay, vì niềm tin ấy đã bị phai nhạt nên người dân không còn sợ bị thần linh trừng phạt nếu vi phạm luật tục và điều đó cũng có nghĩa vai trò của luật tục trong cộng đồng hiện đã mất dần đi tính răn đe.
Sự xâm nhập của các tôn giáo lớn như Công giáo, Tin lành và Phật giáo có tác động rất lớn đến việc giảm đi những nổi ám ảnh trong tâm thức tôn giáo của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô. Những niềm tin gắn liền với nhiều nghi lễ cúng bái bị xem là ma quỷ, hủ tục, tốn kém cần phải loại bỏ.
Hiện tại vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có 3 tôn giáo chính: Phật giáo, Tin lành và Công giáo. Tính đến tháng 6/2018 số lượng tín đồ trong vùng dân tộc thiểu số của các tôn giáo là 3.513 hộ, 13.674 tín đồ, trong đó: Phật giáo: 1.850 hộ, 6.023 tín đồ; Tin lành: 1.078 hộ, 5.021 tín đồ; Công giáo 585 hộ, 2.630 tín đồ. Trong toàn vùng dân tộc thiểu số có trên 10 cơ sở tôn giáo và gần 30 chức sắc đang hoạt động (trong đó có 18 chức sắc tự phong hoặc chưa được công nhận chủ yếu là đạo Tin lành). Mỗi loại hình tôn giáo là một thiết chế xã hội, được khu biệt với những đặc trưng về biểu tượng thiêng, thực hành nghi lễ và cố kết cộng đồng cùng nhiều niềm tin.
Từ những cộng đồng tộc người khép kín chỉ biết đến các thần trong vô thức tâm linh, hai tộc người Bru - Vân Kiều và Pa Cô đã biết đến những giáo lý, giáo luật của phật giáo; biết đến những điều răn của Chúa, biết đến những nền văn minh xa hơn từ Ấn Độ, Châu Âu… Từ chỗ sống khép kín trong trong nội bộ làng, họ đã biết đến chùa, đến nhà thờ để tiếp thu những bài giảng của kinh bổn, tiếp nhận những kiến thức về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật do các chức sắc rao giảng. Từ đó, những cư dân theo các đạo mới du nhập đã tích lũy thêm tri thức, thay đổi nhận thức, tư duy, rũ bỏ hệ tín ngưỡng dân gian truyền thống với các nghi lễ thực hành liên quan, chuyển đổi hoàn toàn đức tin và đối tượng thiêng, cũng như cách thực hành tôn giáo để tham gia vào một cộng đồng mới và tuân thủ các thiết chế của nó như Phật giáo, Công giáo, Tin lành.
Như vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo mới ở địa bàn cư trú của hai tộc người thiểu số Bru - Vân Kiều và Pa Cô, nơi vốn một thời là không gian văn hóa - xã hội của thế giới tâm linh gắn chặt rừng - thần là duy nhất thì nay đã không còn giữ vị trí độc tôn.
Trong các nguyên nhân dẫn đến sự mất dần nỗi ám ảnh, cũng như việc các tộc người tại chỗ ồ ạt gia nhập vào các tôn giáo mới, có sự góp phần của quan điểm bảo tồn có chọn lọc của Nhà nước, người nghiên cứu và người quản lý văn hóa. Sau khi thống nhất đất nước, với mục tiêu xây dựng một xã hội mới tiến bộ, phát triển, với những con người mới xã hội chủ nghĩa không còn mê tín, nhiều văn bản được ban hành nhằm xóa bỏ các nghi lễ truyền thống. Trong đó, đi chùa và nhà thờ được xếp vào tự do tín ngưỡng và được đảm bảo, còn các hình thức thực hành tôn giáo khác như gọi hồn, thờ cúng ma quỷ, lên đồng, bùa chú, chữa bệnh bằng ma thuật... đều bị xếp vào mê tín và bị cấm. Hệ quả của nó đã tác động trực tiếp tới việc xóa bỏ nhiều nỗi ám ảnh của người dân bản địa nơi đây và điều đó cũng đồng nghĩa xóa luôn những điểm tựa tinh thần mạnh mẽ giúp duy trì bản sắc tộc người và điều chỉnh hành vi đạo đức cộng đồng.
Mặc dù hệ tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô trước sự tác động của nhiều yếu tố đã bị suy giảm đáng kể nhưng tâm thức sợ hồn, sợ thần… của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô hiện vẫn còn tồn tại. Ở những bản làng ít có sự xáo động về dân cư và chịu ảnh hưởng của những tôn giáo mới du nhập, nhiều lễ cúng truyền thống vẫn được duy trì, nhưng nội dung, ý nghĩa và chức năng của nghi lễ đã có nhiều thay/biến đổi.
Theo lời kể của các vị già làng, tục lệ còn thực hành tương đối nhiều ở các hộ gia đình không theo Công giáo hay Tin Lành là các nghi lễ liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp như lễ cúng rẫy, lễ mừng lúa mới; các nghi lễ liên quan đến con người như: cưới xin, tang ma, lễ bỏ mã, lễ Rapựp tía; các nghi lễ của làng như lễ Pũ põ (cúng đất), lễ Tăng kinh (cúng chủ đất)...
Mặc dù hiện vẫn còn tổ chức nhiều nghi lễ cúng tế, nhưng tầng lớp duy trì các lễ tục này chủ yếu là các lớp người cao tuổi, còn ở các thế hệ trẻ thì chỉ thực hành theo phong tục.
Lời kết
Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường và các chính sách phát triển của nhà nước, của địa phương đã làm thay đổi môi trường sống, thay đổi phương thức sinh hoạt kinh tế… cũng như sự xâm nhập mạnh mẽ của các tôn giáo lớn đã tác động không nhỏ đến hệ tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Bru - Vân Kiều và Pa Cô. Đó là kết quả tất yếu không thể chối bỏ của quá trình hội nhập và phát triển, đồng thời cũng là một thực trạng đang diễn ra hầu hết ở tất cả các thành phần dân tộc thiểu số nói chung, người Bru - Vân Kiều và Pa Cô nói riêng.
Phải làm sao để vừa nâng cao chất lượng cuộc sống vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống là điều rất quan trọng khi xây dựng chính sách kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, khi xây dựng chính sách kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải có sự hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Những giải pháp phát triển về kinh tế để đáp ứng những nhu cầu dân sinh phải gắn với nhu cầu bảo vệ đời sống tinh thần, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn vậy, mọi chính sách đều phải gắn với cộng đồng dân tộc, tôn trọng quyền quyết định của cộng đồng dân tộc, đồng thời phải đầu tư nghiên cứu sâu sắc về những giá trị của văn hóa dân tộc để có những giải pháp phù hợp.
Phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với bảo vệ không gian văn hóa, không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Để kết lại bài viết này, chúng tôi muốn dẫn lời của Mai Thanh Sơn về quan điểm ba điểm tựa: “Văn hóa của một cộng đồng nào đó chỉ có thể tồn tại và phát triển như một dòng chảy liên tục, có trao truyền/ thừa kế, tiếp thu có chọn lọc để làm giàu và nâng cao, nếu các điểm tựa được duy trì, bổ sung và củng cố. Ngược lại, nếu các điểm tựa bị phá vỡ, chủ thể/thực thể văn hóa sẽ bị biến dạng; văn hóa truyền thống của các cộng đồng người sẽ bị xóa bỏ hay chí ít cũng bị tổn thương” 1./.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN