Cập nhật ngày: 4/22/2021 8:38:55 AM
Trần Hữu Dực, quê ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là con trai trưởng trong gia đình có 7 anh chị em, ông sinh vào ngày 5 tháng 12 năm Kỷ Dậu (tức ngày 15 tháng 01 năm 1910). Thân phụ là ông Trần Viết Tuyên, thân mẫu là bà Đoàn Thị Lành. Ông là người có công lớn trong việc thành lập tổ chức “Ái hữu dân đoàn” và là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một đảng viên cộng sản đầu tiên tại Quảng Trị và người từng giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị khi vừa tròn tuổi đôi mươi.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, cũng giống như thân phận những người dân khác dưới chế độ thực dân - phong kiến, gia đình ông cũng phải đi cày thuê, cuốc mướn, nuôi trâu bò cho địa chủ và chịu nhiều thứ thuế nặng nề khác. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả, lắm lúc đến cùng cực, nhưng gia đình Trần Hữu Dực vẫn giữ được truyền thống trong sạch, nề nếp, sống có tình nghĩa nên được xóm làng yêu thương, quý trọng. Trần Hữu Dực sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ ông nội và cũng từ những câu chuyện của ông nội cùng bạn bè, những tư tưởng đó, những cái mới mẽ đó đã có những ảnh hưởng nhất định đến chàng trai trẻ Trần Hữu Dực. Ông nội Trần Hữu Dực tham gia phong trào “Văn thân” nên giao lưu rộng. Khách của gia đình là những ông tú, ông cử, hoàng giáp, tiến sĩ... Họ thường đến thăm nhau, trong những buổi nói chuyện đó, thường đàm đạo văn chương, bàn bạc, trao đổi tin tức nhân tình thời thế. Lúc này Trần Hữu Dực lên 7 tuổi, mỗi lần mang lửa hay nước chè đến cho khách, cậu bé thường nghe lõm những câu chuyện của các cụ kể với nhau như: chuyện đánh Tây, chuyện Đức - Pháp đánh nhau... Một hôm, nghe các ông nói về cụ Phan Bội Châu là người học giỏi nhưng không làm quan cho Tây, muốn cứu dân cứu nước ông tự cho mình là “độc tỉnh tử” 1. Nghe câu chuyện đó, Trần Hữu Dực vừa đi vừa nghĩ miên man, đến nỗi hai tay cầm hai bát nước chè đập vào cột nhà vỡ choang. Đây là nhận thức đầu tiên về vận mệnh đất nước của Trần Hữu Dực.
Do hoàn cảnh của gia đình nên đến 8 tuổi, cậu bé Dực mới được đến trường. Năm đầu tiên, gia đình cho cậu đi học trường tư, sau đó chuyển vào học lớp dự bị ở thôn Dương Lệ Đông, bỏ qua lớp đồng ấu. Khi đã biết chữ, cậu bé rất siêng năng đọc sách, báo, tìm hiểu lịch sử, địa lý Việt Nam và thế giới. Nhìn thấy tư chất của cháu, ông nội rất quan tâm đến việc học hành của cậu, đồng thời hướng cho cậu nhận thức và hành động với tư cách là một người dân Việt Nam yêu nước. Năm 14 tuổi, cậu đến dạy tư cho các em nhỏ ở làng Dương Lộc (cùng xã) nhằm kiếm thêm tiền, đồng thời có điều kiện nghiên cứu sách vở, mở mang kiến thức. Năm 15 tuổi, Trần Hữu Dực bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.
Trong bối cảnh đất nước những năm năm 20 của thế kỷ XX, sau khi phong trào chống Pháp của Văn thân, Cần vương thất bại, lớp sĩ phu Quảng Trị có sự phân hóa về khuynh hướng chính trị. Một số muốn tiếp tục con đường vũ trang bạo động nhưng không còn thế lực; số khá đông thì kiên quyết bài Pháp, bất hợp tác với Nam triều phong kiến; một số khác nản chí, cá biệt có người làm tay sai cho Pháp.
Những người có tinh thần dân tộc chủ yếu là những trí thức trong Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản và thấy được những chuyển biến tiến bộ của nước ngoài, nên họ dần dần thoát khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng phong kiến để chuyển sang hệ tư tưởng dân chủ tư sản. Một số thanh niên trí thức, công chức làm việc trong các công sở ở tỉnh lỵ, chủ yếu là trong Sở Công chánh và một số tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước thành lập nhóm “Việt Nam độc lập Đảng” 2, với mục đích làm cách mạng dân tộc, dân chủ, tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng ở các nơi khác, tìm đọc sách báo tiến bộ. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của nhóm còn hẹp, chỉ trong thị xã Quảng Trị và một số vùng ven. Nhóm “Việt Nam độc lập Đảng” chưa có điều lệ và chương trình hoạt động cụ thể.
Trong những năm 1925 - 1926, ở Quảng Trị cũng như trong cả nước liên tiếp nổ ra các cuộc mít tinh, biểu tình của mọi tầng lớp nhân dân đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh. Ở thị xã Quảng Trị, khi biết tin nhà cầm quyền giải cụ Phan Bội Châu đi qua đây, nhóm “Việt Nam độc lập đảng” đã tổ chức thanh niên, học sinh, trí thức, công chức và nhân dân thị xã tập trung tại một địa điểm để nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện. Cuộc nói chuyện của cụ Phan Bội Châu trước hàng ngàn người đã có tác dụng thức tỉnh tinh thần yêu nước, thương nòi của nhân dân Quảng Trị, nhất là trong tầng lớp thanh niên, học sinh, trí thức, công chức.
Trong bối cảnh đó, tháng 10 năm 1926, một chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư. Hoạt động của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là cử người tham gia các lớp tập huấn do các thanh niên yêu nước được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện tại nước ngoài về tổ chức. Mục đích và tôn chỉ của hội là chống áp bức bốc lột của chính quyền thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc; nhờ đó mà tổ chức của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia và ủng hộ.
Với chí hướng của một người làm cách mạng, hàng ngày, tiếp xúc với cuộc sống vất vả của bà con lối xóm, nổi thương dân lại càng thêm nhức nhối. Làm gì để thay đổi cuộc đời, cho mọi người đở khổ? Niềm day dứt đó cứ lớn dần trong chàng thanh niên trẻ, đeo đuổi, giày vò và thúc dục anh không nguôi. Nhưng đi đâu và làm gì để thực hiện lý tưởng của mình. Đi buôn chăng? nhưng lại không có vốn; làm một việc gì đó ở công sở? cũng không ổn. Cuối cùng Trần Hữu Dực quyết định đến dạy học ở làng Đại Hào (xã Triệu Đại). Ở đây, anh vừa dạy học, vừa có thời gian hoạt động cách mạng. Tư tưởng cứu nước, cứu dân đã thôi thúc Trần Hữu Dực ngày đêm suy nghĩ tìm ra phương cách thích hợp để tập hợp, giác ngộ nhân dân đoàn kết đấu tranh. Chính vì thế, Trần Hữu Dực đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, soạn thảo điều lệ của một tổ chức yêu nước. Theo Trần Hữu Dực, muốn lật đổ vua quan độc đoán chuyên quyền, đánh đuổi quân Pháp trước hết cần phải có tổ chức, có người đứng đầu lãnh đạo, bởi: không có tổ chức thì như cát rời, vô dụng; có tổ chức mới có sức mạnh, mà sức mạnh thì cực kỳ to lớn, có thể dời non lấp bể 3. Bên cạnh đó, Trần Hữu Dực cũng đã lăn lộn trong phong trào đấu tranh chống lại cường hào, địa chủ ở Triệu Thuận và một số vùng lân cận, để tập hợp những người cùng trang lứa có tinh thần hăng hái đấu tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân. Với quyết tâm thực hiện con đường hoạt động cách mạng của mình, sau quá trình tìm tòi, suy nghĩ, Trần Hữu Dực đã thảo được một điều lệ của tổ chức mang tên “Ái hữu dân đoàn”.
Tháng 11-1926, Trần Hữu Dực tổ chức cuộc họp đầu tiên ngay tại nhà mình ở làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, để chính thức thành lập "Ái hữu dân đoàn". Lý do Trần Hữu Dực tổ chức cuộc họp tại nhà mình vì đây chính là nơi ông sinh ra và lớn lên, đây còn là nơi ấp ủ những hoài bảo, lý tưởng của ông để quyết tâm thực hiện con đường hoạt động cách mạng. Hơn nữa, đây nguyên xưa là một khu vực có nhiều cây cổ thụ, chính điều kiện đó tạo được sự thuận lợi trong việc đảm bảo bí mật và dễ dàng tập hợp các hội viên ở các vùng lân cận.
Tham gia hội nghị thành lập "Ái hữu dân đoàn" gồm có: Trần Thuận, Trần Thị, Đoàn Hải, Từ Tô, Trần Trúc, Trần Tuy, Nguyễn Giao (làng Dương Lệ Đông); Nguyễn Quật, Nguyễn Sản (làng Dương Lệ Văn); Lê San, Hoàng Thùy, Lê Hoạch, Lê Mai (làng An Lợi, xã Triệu Độ); Nguyễn Thi (làng Vệ Nghĩa, xã Triệu Long); Lê Dỏ (làng Cổ Thành, xã Triệu Thành); Nguyễn Chùy (làng Phương Ngạn, xã Triệu Long); Nguyễn Hữu Thảng (làng Đại Hòa, xã Triệu Đại); Nguyễn Huyến (làng Đại Hào, xã Triệu Đại); Nguyễn Hỗ (làng Đại Áng, xã Triệu Lương/phường Đông Lương).
Mục đích của tổ chức Ái hữu dân đoàn được nêu trong điều lệ của hội là “làm cho càng ngày càng nhiều người dân biết rằng mình bị bọn Tây cướp nước, bọn Vua quan độc đoán chuyên quyền, theo Tây làm tay sai để được giàu sang, còn đông đảo đồng bào thì đói rách, dốt nát, ô danh cả tổ tiên, nòi giống... Vì thế đã là người dân Việt Nam thì phải cùng nhau thân ái, đoàn kết, tương trợ; đuổi Tây, bỏ vua quan, làm cho nước nhà được độc lập, dân chủ phú cường, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ...” 4.
Tại hội nghị thành lập “Ái hữu Dân đoàn”, nhiệm vụ của mỗi đoàn viên được nêu cụ thể như sau:
1. Hiểu đúng và làm đúng điều lệ Đoàn.
2. Bỏ những thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè, đĩ bợm, gian trá.
3. Làm cho người khác hiểu đúng và làm đúng điều lệ đoàn.
4. Giới thiệu người vào đoàn.
5. Ra sức học tập văn hóa, chính trị.
6. Lao động làm ăn giỏi.
7. Đóng góp ý kiến xây dựng đoàn.
8. Không làm mất uy tín, danh dự đoàn.
9. Không để lọt điều lệ đoàn ra ngoài.
10. Không làm tay sai cho địch.
Các hội viên tham gia cuộc họp thảo luận rất sôi nổi và đi đến thống nhất phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thức tỉnh lòng yêu nước, thương nòi trong mỗi người dân, làm cho họ hiểu họ đều là người dân mang nổi nhục mất nước, phải đứng dậy đoàn kết đấu tranh.
Hội tổ chức mỗi tháng họp một lần, đồng thời mỗi đoàn viên phải tự học tập để hiểu sâu hơn điều lệ, nhiệm vụ của đoàn. Qua đó, nâng cao nhận thức cũng như phẩm chất cần có đối với người hoạt động cách mạng, đó là: “Trung thành, dũng cảm, cương quyết, sẵn sàng hy sinh khi cách mạng cần” 5. Cuối cùng hội nghị tán thành việc tổ chức đoàn; tán thành điều lệ Ái hữu Dân đoàn; mỗi người dự họp đều tự nguyện làm một đoàn viên của đoàn và sẽ thực hiện những công việc như điều lệ và hội nghị đã nêu.
Ngay từ khi ra đời, với mục đích được nêu trong điều lệ của Hội, “Ái hữu dân đoàn” đã nhanh chóng tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện Triệu Phong tham gia. Đến năm 1928, Ái hữu dân đoàn có trên 100 đoàn viên chia làm 10 đoàn nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng đông bắc Triệu Phong. Sự ra đời của Ái hữu dân đoàn như tiếp thêm luồng sinh khí mới, đánh dấu bước phát triển tiến bộ của phong trào yêu nước xã Triệu Thuận nói riêng và Triệu Phong nói chung. Sau một năm hoạt động, tổ chức “Ái hữu dân đoàn” phát triển mạnh hơn. Không chỉ hoạt động trong địa bàn huyện Triệu Phong, Ái hữu Dân đoàn đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong quá trình hoạt động, Trần Hữu Dực và một số hội viên của Ái hữu dân đoàn đã có những cuộc tiếp xúc, tham gia sinh hoạt trong Hưng nghiệp hội xã ở thị xã Quảng Trị. Hưng nghiệp hội xã do Lê Thế Hiếu phụ trách, đây là một tổ chức kinh tế nhằm chấn hưng hàng nội hóa. Tổ chức này hoạt động kinh tế công khai nhằm phục vụ cho mục đích hoạt động cách mạng. Trần Hữu Dực vận động hội viên trong Ái hữu dân đoàn đóng góp cổ phần vào Hưng nghiệp hội xã để có điều kiện đến đây tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi tin tức với những người có tiếng tăm thời bấy giờ như Lê Thế Hiếu, Hoàng Hữu Đàn, Nguyễn Xuân Luyện...
Lúc này, ở Quảng Trị, hoạt động của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lan rộng. Các thành viên trong tổ chức “Ái hữu dân đoàn” có điều kiện giao lưu, tiếp nhận tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cứu nước do Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam thông qua sách báo và các cuộc nói chuyện, tuyên truyền của hội viên thanh niên. Đến năm 1928, những hoạt động của “Ái hữu dân đoàn” đã làm cho Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Quảng Trị chú ý. Sau quá trình tìm hiểu, vận động, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên sát nhập “Ái hữu dân đoàn” vào tổ chức của mình để tuyên truyền, giáo dục quần chúng nông dân trong tỉnh tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Từ đó, “Ái hữu dân đoàn” hoạt động theo mục đích, tôn chỉ, điều lệ của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên. Mặc dù ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng tổ chức “Ái hữu dân đoàn” đã có công lao to lớn trong việc đoàn kết các tầng lớp nhân dân ở huyện Triệu Phong cũng như tỉnh Quảng Trị nhanh chóng phát triển thành một lực lượng chính trị độc lập.
Trần Hữu Dực người đã có công lớn trong việc thành lập tổ chức Ái hữu dân đoàn ở Triệu Phong. Với mục đích và tôn chỉ rõ ràng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, hội đã tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia và gây được uy tín trong vùng, để đến khi có thời cơ thuận lợi, hòa mình hoạt động trong một tổ chức mới và làm tròn xứ mệnh lịch sử của mình. Từ một thanh niên được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, qua quá trình hoạt động và rèn luyện trong phong trào cách mạng, Trần Hữu Dực đã nhanh chóng trở thành một trong những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Trị và Xứ ủy Trung kỳ, đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng do Đảng và Nhà nước giao phó. Ông xứng đáng là lớp đảng viên tiền bối, là niềm tự hào của quê hương Quảng Trị như lời cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét “Đồng chí Trần Hữu Dực là một đảng viên cộng sản hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, nêu tấm gương kiên cường, bất khuất”./.
Trần Thị Tình
Chú thích
[1] Nghĩa là anh chàng thức một mình, cả nước ngủ hết.
2 Nhóm "Việt Nam độc lập Đảng" thành lập tháng 6-1925 gồm có: Nguyễn Đình Cương làm Sở Công chánh, quê Hà Tĩnh đứng đầu và các thành viên: Đặng Thông Sương, Nguyễn Hữu Thu, Lê Văn Hổ, Hoàng Văn Diệm, Viễn Đệ, Nguyễn Đức Quảng, Nguyễn Thanh, Trần Ngung, Lê Ngọc Uynh, Nguyễn Kỉnh, Trịnh Đức Tân.
3 Trần Hữu Dực. Bước qua đầu thù. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 41.
4 Trần Hữu Dực. Bước qua đầu thù. Sđd, tr. 38.
5 Trần Hữu Dực. Những năm tháng tuổi trẻ. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr. 63.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN