CHUYÊN MỤC KHÁC
VAI TRÒ CỦA HƯƠNG ƯỚC TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ LÀNG NHĨ THƯỢNG

Cập nhật ngày: 9/8/2023 9:03:31 AM

1. Sơ lược về sự hình thành hương ước làng Nhĩ Thượng

Hương ước là một bản quy ước thành văn có giá trị về mặt văn hóa, truyền thống, gắn liền với lịch sử, trải qua bao biến cố, thăng trầm cùng thời gian, hương ước đến nay vẫn còn được lưu giữ và đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Các bản hương ước của cộng đồng làng xã ở Việt Nam chứa đựng những phong tục, tập quán, quy tắc ứng xử trong việc thờ cúng Thành Hoàng làng, người có công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, cũng như việc thờ cúng tổ tiên, quan hệ gia đình, quan hệ làng xóm, ma chay, cưới hỏi, quan hệ lao động, phân xử tranh chấp trong làng, xã... và một phần quan trọng liên quan đến phân chia, quản lí đất đai, đặc biệt là đất đai hương hỏa. Do vậy, các bản hương ước trong cộng đồng làng, xã Việt Nam nói chung được coi như “thước đo chuẩn mực” giúp mỗi cá nhân tự “soi” lại những hành vi ứng xử, việc làm của mình với người thân, với cộng đồng làng xã, với toàn xã hội. Hương ước có tác dụng to lớn trong việc giáo dục tư cách đạo đức cho mỗi cá nhân, giáo dục cộng đồng, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Dưới thời kỳ thống trị của thực dân pháp, các bản Hương ước là một trong những nhân tố “đề kháng” của làng, xã chống lại chính sách đồng hóa của chủ nghĩa thực dân, mặc dù đất nước bị xâm lược, nước mất nhưng làng xã không mất, những phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ và bảo tồn.

Làng Nhĩ Thượng là một ngôi làng nhỏ nằm về phía đông huyện Gio Linh; từ lúc các vị tiên khai khẩn dừng chân nơi đây để lập làng, lập xóm, các vị tiền bối đã đề ra những luật lệ riêng để quản lý các hoạt động của dân cư trong phạm vi làng. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, cũng như các làng quê khác, làng Nhĩ Thượng cũng đã có những bản lệ làng thành văn với nhiều tên gọi khác nhau (phụ thuộc vào người ghi chép), nội dung chủ yếu là những quy ước liên quan đến đời sống mọi mặt của cộng đồng dân cư trong làng. Những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp vẫn giữ nguyên cơ cấu làng Việt cổ truyền nhưng bắt buộc các địa phương phải cải lương hương ước theo ý đồ của Pháp. Thực dân Pháp nhận định yếu tố dòng họ có vai trò quan trọng, trong rất nhiều làng xã quyền lực tập trung trong tay một số dòng họ. Vậy nên, nắm được dòng họ là nắm được làng xã. Những ý đồ cải lương hương ước của thực dân Pháp mang tính rập khuôn, máy móc và áp đặt để phục vụ cho các quyền lợi của giai cấp thống trị, khi áp dụng cho hầu hết các làng Việt đều bị thất bại, bởi mỗi làng đều có những nét đặc trưng riêng. Chính sự khác biệt về “lệ làng”, về “văn hóa làng” đã làm cho âm mưu của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, những quy ước của làng có những chuyển biến mới, những nhược điểm trước đây đã được khắc phục và hình thành nên những quy định mới phù hợp với thực tiễn.

Thông qua sự thay đổi của các bản hương ước của làng, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử mà các điều khoản trong bản quy ước nhiều hay ít. Qua những thay đổi đó có thể thấy rõ hơn những nét cơ bản về “lệ làng” và “văn hóa làng”; nhìn thấy rõ sự phát triển, văn minh tiến bộ của cộng đồng dân cư trong ý thức pháp luật, trách nhiệm với xã hội, sự phát triển về trình độ văn hóa và kinh tế của làng.

Đình làng Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Ảnh Kim Cúc)

 

Năm 2016, nhằm giữ gìn và phát huy các thuần phong mỹ tục của quê hương, đề cao những chuẩn mực đạo đức và những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội... thôn Nhĩ Thương đã xây dựng một bản hương ước/quy ước mới để thay thế những hương ước/ quy ước trước đây, Hương ước/quy ước bao gồm 8 chương, 28 điều. Đây chính là ý chí của toàn thể nhân dân trong thôn, được Hội nghị toàn thể nhân dân nhất trí thông qua và được áp dụng cho đến ngày nay.

Nội dung cơ bản của bản hương ước này đề cập đến những quy định về trách nhiệm của người dân đối với nhà nước, với làng xã; quy định về phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn hóa; xây dựng gia đình văn hóa; quy định về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; quy định về trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự; động viên, khuyến khích con em nhân dân tích cực học tập, phát triển giáo dục; quy định việc thực hiện thuần phong mỹ tục, phong tục, tập quán như: Việc cưới, việc tang, lễ hội, thờ cúng, tế lễ; thực hiện các mối quan hệ với người thân trong gia đình, với cộng đồng làng xóm… Nhìn chung bản hương ước thôn Nhĩ Thượng hiện nay đang hướng đến những mặt tích cực phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước, đồng thời vẫn giữ gìn những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống. Những giá trị cơ bản của bản hương ước này đang được phổ biến rộng rãi và áp dụng trong mọi tầng lớp dân cư thôn Nhĩ Thượng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

2. Vai trò của hương ước/quy ước trong đời sống cộng đồng dân cư làng Nhĩ Thượng trong bối cảnh hiện nay

- Vai trò của hương ước/quy ước trong việc giáo dục người dân về ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm.

Hương ước/quy ước luôn chứa đựng những nguyên tắc nhất định, bắt buộc mọi người phải thực hiện hoặc cho phép không thực hiện một nghĩa vụ, một công việc gì đó diễn ra trong cuộc sống hàng ngày tại địa phương. Chính vì vậy, cùng với pháp luật hiện hành của Nhà nước, hương ước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục ý thức của người dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Quy định của hương ước làng Nhĩ Thượng đã nêu rõ việc bắt buộc người dân phải thực hiện các nghĩa vụ thiêng liêng và quyền của người công dân đối với Tổ quốc đó là luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm... Chính vì vậy, trong những năm qua, nhân dân thôn Nhĩ Thượng luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có trường hợp nào vi phạm pháp luật. Những thanh niên khi đến tuổi trưởng thành phải chấp hành nghiêm Luật nghĩa vụ quân sự, phải thực hiện việc đăng ký, khám tuyển khi có lệnh gọi, không có người trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không bỏ ngũ, đào ngũ khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thực hiện nghiêm túc những quy định trong bản hương ước về vấn đề giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, không được kích động gây rối trật tự, có ý thức phòng chống tệ nạn trộm cắp, rượu chè bê tha, hút chích ma túy, mại dâm, các hoạt động vào ban đêm sau 22 giờ không được gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác, nhất là các hộ kinh doanh cà phê, hát karaoke... Bên cạnh đó, người dân luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ các công trình công cộng như: trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sân vận động, đường giao thông, hệ thống truyền thanh, các di tích lịch sử trên địa bàn... Việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng luôn được coi trọng, tất cả mọi người dân đều có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên tổ chức làm vệ sinh, dọn dẹp ở những nơi công cộng nên trên các tuyến đường làng, ngõ xóm luôn đảm bảo sạch đẹp. 

- Vai trò của hương ước trong việc phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa.

+ Về phát triển kinh tế: Làng Nhĩ Thượng có hơn 300 hộ sinh sống và hơn 1200 nhân khẩu, diện tích canh tác khoảng 1000m2 trên đầu người. Với đặc điểm là một vùng thuần nông mang tính độc canh cây lúa, đời sống của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào hạt lúa và những loại cây hoa màu khác như khoai, ớt, lạc... là miền đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng nên để vươn lên làm giàu từ đất đai ở vùng quê này là vô cùng khó khăn. Hương ước của làng nêu rõ việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là quyền và trách nhiệm của mỗi người, khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng, mở mang các ngành nghề, dịch vụ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc các hình thức làm kinh tế khác để nâng cao đời sống nhưng phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Hương ước nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả theo quy định của pháp luật, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và sự giám sát của Ban quản lý thôn. Với tinh thần đoàn kết, gắn bó trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, mọi người dân trong thôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay thế các giống cây, con không có năng suất bằng các giống cây, con có năng suất cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã tổ chức kinh doanh một số loại hình dịch vụ có hiệu quả, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập một cách đáng kể. Trong những năm qua, nhờ có những định hướng chuyển đổi sản xuất kinh doanh của chính quyền địa phương và những quy định về phát triển kinh tế trong hương ước mà đời sống của người dân được nâng lên một cách rõ rệt, nhiều hộ gia đình trong thôn đã cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.

+ Về xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa: Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư là một điều hết sức quan trọng và cần thiết đối với chính quyền địa phương và tất cả mọi người dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ và Ban quản lý thôn người dân luôn tuân thủ những quy định trong bản hương ước về vấn đề xây dựng nếp sống văn minh trong thôn xóm. Luôn luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lúc khó khăn hoạn nạn; luôn tôn trọng quyền lợi cuộc sống riêng của mỗi gia đình, tất cả các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn luôn được giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

Mỗi gia đình, dòng họ luôn giáo dục con cháu gìn giữ nề nếp gia phong, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Các thành viên trong gia đình luôn tôn trong, yêu thương nhau, biết thông cảm và sống vị tha. Ông bà sống mẫu mực, chăm lo, dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội. Vợ chồng sống hòa thuận, bình đẵng và tôn trong nhau, cùng nhau gánh vác công việc, nuôi dạy con cái nên người. Con cháu sống hiếu thảo, kính trong ông bà, bố mẹ.

Các hộ gia đình luôn tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao do các tổ chức đoàn thể tổ chức vào các dịp lễ tết. Hàng năm vào dịp đầu xuân, vào ngày mùng 4 tết làng tổ chức hội xuân với nhiều trò chơi dân gian như đập om, bịt mắt bắt vịt, kéo co... thi làm các loại bánh truyền thống của làng đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Việc cưới, việc tang luôn được chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng quy định của làng. Nam nữ kết hôn phải đủ tuổi theo quy định của pháp luật, phải làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND xã, không cưới tảo hôn, không được vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Gia đình khi có người qua đời phải thông báo với Trưởng thôn và nhân dân trong thôn biết, tiến hành làm thủ tục khai tử. Đám tang không được kéo dài, thi hài người quá cố không được để quá 48 tiếng đồng hồ; không sử dụng kèn trống, nhạc tang sau 22 giờ đêm...

- Vai trò của hương ước trong việc giữ gìn truyền thống hiếu học.

Truyền thống hiếu học của làng Nhĩ Thượng xây dựng và kế tục từ hàng trăm năm nay. Xác định tầm quan trọng của sự học nên trong nhiều năm qua, bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau mà chính quyền và người dân đã quyết tâm vượt qua khó khăn, đói nghèo để cho con cháu được học hành, luôn tâm huyết với phương châm “trau dồi kiến thức và chăm lo việc học hành của con cái là con đường ngắn nhất để xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”. Bản hương ước làng quy định rõ: Các hộ gia đình có con em đến tuổi đi học, trong độ tuổi đi học phải tạo điều kiện cho con em được đến trường học tập. Không để con em bỏ học giữa chừng. Ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm cùng nhà trường theo dõi, dạy dỗ con cháu học tập, rèn luyện đạt kết quả cao. Nếu con em có khuyết điểm, gia đình phải chịu trách nhiệm dạy bảo để sửa chữa ngay. Nếu hộ gia đình nào để con em bỏ học hoặc không cho con em đi học đúng độ tuổi quy định sẽ bị nhắc nhỡ, phê bình trước cuộc họp toàn thôn.

Chi hội khuyến học của làng trong những năm qua luôn được củng cố và hoạt động với mục tiêu: “Lấy hương ước làng làm nồng cốt, lấy kết quả học tập của con cháu làm mục tiêu, lấy mô hình học tâp làm thước đo của môi trường phát triển”, các ban khuyến học của các dòng họ cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Chi hội khuyến học của làng đã liên kết chặt chẽ với các thế hệ con em trong làng học hành đỗ đạt, trưởng thành, hội đồng hương trên các vùng miền, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã gắn bó và theo dõi sự phát triển giáo dục và ủng hộ phong trào thi đua học tập của con em trong làng, đóng góp tài chính, tham gia trao thưởng, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tiếp sức mùa thi, bảo trở sinh viên, học sinh nghèo... Sau nhiều năm với sự hoạt động tích cực của các Ban khuyến học các dòng họ, Chi hội khuyến học của làng, cùng với sự hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua học tập, đến nay đã có trên 85%  gia đình đạt gia đình học tập, trong đó có 15% gia đình thuộc diện ưu tú (có 100% con cái đạt trình độ đại học); có 100% dòng họ đạt dòng họ học tập. Bình quân hàng năm có từ 7 đến 8 em trúng tuyển vào các trường đại học chính quy, đặc biệt có năm có 17 em trúng tuyển; có 60 đến 70 em đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp; hàng năm các dòng họ và làng tổ chức trao tiền thưởng dành cho các em đạt thành tích trong học tập tại các nhà thờ họ và đình làng.

Về xây dựng các thiết chế phục vụ cho sự phát triển giáo dục: tiến hành xây dựng một tủ sách gồm 600 đầu sách các loại để phục vụ cho việc học tập của các cháu và tìm hiểu về khoa học kỹ thuật của các phụ huynh khi có nhu cầu. Đền Văn Thánh của làng được xây dựng từ lâu trong lịch sử. Trãi qua giai đoạn chiến tranh ác liệt, Đền Văn Thánh bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng. Năm 2020, chính quyền địa phương cùng với nhân dân làng Nhĩ Thượng đã huy động, đóng góp kinh phí để xậy dựng, trùng tu công trình Đền Văn Thánh. Đây là một việc làm thể hiện sự tôn sư trọng đạo, là nơi tôn vinh và lưu giữ thành tích học tập, tước phẩm, khoa bảng của các thê hệ. Đền Văn Thánh là một biểu tượng thiêng liêng, là niềm tin vững chắc về truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông đi trước, là động lực thúc đẩy, là niềm tin của các thế hệ tương lai.

Với những giá trị cơ bản và vai trò quan trọng của bản hương ước đối với cộng đồng dân cư làng Nhĩ Thượng, có thể khẳng định, hương ước chính là một công cụ quản lý gián tiếp của Nhà nước trong cộng đồng dân cư, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế. Cần phải tiếp tục xây dựng, duy trì, thực hiện và phát huy những giá trị của hương ước, gắn hương ước với thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới; góp phần quản lý làng xã đảm bảo phù hợp, hài hòa, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, những phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa riêng của các làng xã Quảng Trị nói chung và Nhĩ Thượng nói riêng./.

                                                                                                                                                                                Nguyễn Thị Cúc

XEM THÊM VỀ CHUYÊN MỤC KHÁC
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ KHOA HỌC CỦA DI TÍCH QUỐC GIA “CÁC ĐỊA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN DINH CHÚA NGUYỄN (1558 - 1626)” PHÁC THẢO Ý TƯỞNG QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH DINH CHÚA NGUYỄN VÀO HOẠT ĐỘNG DU LỊCH MAI XÁ - VÙNG ĐẤT CÓ TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CHỢ QUẢNG TRỊ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ - VĂN HÓA THIẾT CHẾ VĂN HÓA CỔ TRUYỀN LÀNG LAN ĐÌNH ÁI TỬ - NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ, VĂN HÓA ÐÌNH TRONG THIẾT CHẾ VĂN HÓA LÀNG CỔ TRUYỀN NGƯỜI VIỆT Ở QUẢNG TRỊ NHỮNG THÀNH TỐ VĂN HÓA TẠO NÊN DIỆN MẠO CỦA LÀNG NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ CƠ CHẾ QUẢN LÝ “LÀNG CON” CỦA “LÀNG CÁI” - DẪN LIỆU TỪ LÀNG THƯỢNG NGHĨA QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC LÀNG XÃ VEN BỜ THẠCH HÃN NHÌN TỪ SỰ TÁC ĐỘNG VÀ BIẾN ĐỔI ĐỊA CUỘC DÒNG SÔNG NHỮNG NÉT BIẾN ĐỔI VĂN HOÁ LÀNG XÃ TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT Ở QUẢNG TRỊ TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN VÙNG ĐẤT QUẢNG TRỊ TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH Ở QUẢNG TRỊ THỜI NGUYỄN