Cập nhật ngày: 10/6/2022 12:30:14 AM
Xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ lâu luôn được biết đến là vùng đất màu mỡ với những cánh rừng cao su bạt ngàn, những khu rừng già trãi dài hàng chục km. Tuy nhiên, nơi đây còn gắn liền với một sự kiện lịch sử rất quan trọng đã được ghi danh: Là nơi đặt trận địa tên lửa tiêu diệt máy bay B52 đầu tiên ở Việt Nam. Chiến tích này đã được Tiểu đoàn 84, Trung đoàn tên lửa 238, Quân chủng Phòng không - Không quân xác lập vào ngày 17-9-1967.
Tháng 6-1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định thành lập Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (gọi tắt là Mặt trận B5) nhằm thu hút, giam chân một bộ phận lớn quân Mỹ. Trong khi đó, Mỹ liên tiếp phải gánh chịu những thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam và Mỹ nhận thấy B5 là mặt trận rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện tới cục diện chiến tranh nên Mỹ đã quyết định tăng cường một đội quân hùng hậu ra Đường 9 - Bắc Quảng Trị nhằm xây dựng phòng tuyến mạnh. Để phục vụ cho “chiến lược” này, cuối năm 1966, đầu năm 1967, ngoài những loại máy bay thông thường như AD6, F105, F111, Mỹ đã điều động hàng loạt máy bay B52 ném bom rãi thảm khu vực nam sông Bến Hải, mặt trận B5, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cũng như khu vực Quảng Bình, Vĩnh Linh. Mục đích của quân đội Mỹ là nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, cắt đứt chi viện của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam của quân và dân ta, đồng thời phục vụ âm mưu “Bắc tiến”.
B52 là loại máy bay chiến lược hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Với sãi cánh dài 56,39m, tổng chiều dài thân 49,05m, cao 12,4m; khối lượng cách cánh tối đa 221,35 tấn và có tầm bay từ độ cao 12.000 đến 16.000m. B52 được trang bị súng máy, tên lửa, các phương tiện dẫn đường, ném bom rãi thảm và tác chiến điện tử, có thể mang tới 30 tấn bom. Khi đi làm nhiệm vụ ném bom, B52 được sự yểm trợ của nhiều lớp hàng rào máy bay tiêm kích, có khả năng tàng hình nhờ “áo giáp điện tử” làm triệt tiêu mọi khả năng phát hiện của ra đa đối phương. Đó là hệ thống nhiễu tổng hợp, trong đó có những chiếc E66 phát sóng điện từ rất mạnh gọi là nhiễu “tích cực”; những chiếc F4D thả hàng triệu sợi kim loại dài 2km gọi là nhiễu “tiêu cực”. Ngoài ra, các tên lửa “quai” từ B52 phóng ra bay xa hàng trăm cây số, phát tín hiệu giống như B52 để đánh lừa ra đa đối phương gọi là máy bay “B52 giả” và những máy phát gây nhiễu điện tử gắn trên các máy bay tiêm kích và 15 máy riêng cho mỗi chiếc B52. Đặc biệt, trước khi tiến vào mục tiêu, các phi đội F105 và F111 bay tiên phong có nhiệm vụ đánh phá các trận địa tên lửa phòng không và các trạm ra đa của đối phương để mở đường.
Với những tính năng vượt trội như vậy nên B52 được đánh giá là “pháo đài bay” bất khả xâm phạm và có sức tàn phát rất khủng khiếp. Các loại pháo cao xạ của Quân giải phòng bắn không hiệu quả. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 1967, những tổn thất do B52 gây ra bằng 2 năm 1965, 1966 cộng lại, ảnh hưởng lớn đến chiến dịch và giao thông vận chuyển, đồng thời tác động không nhỏ đến tinh thần của quân và dân ta.
Kinh nghiệm từ những lần “bắt hụt pháo đài bay”
Trước sự mở rộng địa bàn đánh phá của máy bay B52, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân là phải tìm mọi cách đánh cho được B52.
Tháng 6-1966, Bộ Chính trị ra chủ trương: “Phải sớm đưa tên lửa vào Nam Quân khu IV để nghiên cứu đánh B52” 1. Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho Trung đoàn tên lửa 238 - Binh chủng Phòng không - Không quân tăng cường vào Quân khu IV mà trực tiếp là địa bàn Vĩnh Linh tham gia bảo vệ hậu phương chiến dịch và nghiên cứu triển khai đánh B52.
Việc di chuyển một trung đoàn tên lửa từ miền Bắc vào Vĩnh Linh với nhiều vũ khí, khí tài là rất khó khăn cần đòi hỏi Chỉ huy Trung đoàn phải chỉ đạo ngụy trang kỹ lưỡng, ngày giờ xuất phát bí mật và việc trú quân trên đường phải luôn thay đổi. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi sự phát hiện và bắn phá liên tục, ác liệt của máy bay Mỹ. Sau nhiều ngày hành quân, cuối cùng Trung đoàn tên lửa 238 đã đưa được lực lượng, vũ khí, khí tài đến khu vực tập kết 2.
Với địa hình có nhiều ưu điểm nên khi vào Vĩnh Linh, Trung đoàn 238 đã quyết định chọn Nông trường Quyết Thắng để dựng lên các trận địa tên lửa. Nhờ sự góp sức của hàng trăm dân quân, dân công hỏa tuyến của Vĩnh Linh nên Trung đoàn tên lửa 238 đã chuẩn bị được 24 trận địa và khu cất giấu bí mật. Ngoài sở chỉ huy đặt ở Vĩnh Chấp, Trung đoàn 238 còn có 5 tiểu đoàn thực hiện những nhiệm vụ khác nhau và đóng quân rãi khắp trong khu vực: Tiểu đoàn 81 đóng quân ở đập La Ngà; Tiểu đoàn 83 đóng quân ở Ngã ba Cổ Kiềng; Tiểu đoàn 5 lắp ráp tên lửa ở Ba Rền (Nông trường Việt Trung, Quảng Bình) và tiểu đoàn 82, 84 ở tuyến sau. Với cách bố trí như trên, Chỉ huy Trung đoàn 238 chủ trương: 2 Tiểu đoàn phía trước là 81 và 83 đánh máy bay B52, 2 Tiểu đoàn phía sau là 82 và 84 làm dự bị, đánh tập trung vào một tốp máy bay B52 từ 4 đến 6 quả tên lửa SAM2.
Trong lúc này, máy bay B52 liên tục rãi bom gây tổn thất nặng nề cho quân và dân ta. Trước tình hình đó, 2 Tiểu đoàn 81, 83 đã nhiều lần vào trận địa sẵn sàng chiến đấu cấp I, và cũng đã thực hiện nhiều chiến thuật như: Nghi binh, cơ động, tạo giã... Kết quả là có lần “bắt” được máy bay B52 ở cự ly gần, có lần “bắt” nhầm máy bay B52 và cũng nhiều lần không “bắt” được do nhiễu vô tuyến quá nặng. Đến ngày 15-3-1967, những quả SAM2 đầu tiên được phóng lên nhưng bị nhiễu không trúng mục tiêu. Trận địa nhanh chóng bị phát hiện và phải hứng chịu hàng loạt các loại bom, đạn, pháo từ máy bay B52 và các loại máy báy chiến thuật khác cùng pháo từ Hạm đội 7, căn cứ Cồ Tiên, Dốc Miếu trút xuống. Bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong và khí tài bị thiệt hại khá lớn. Tuy nhiên, những mất mát hi sinh của quân và dân Vĩnh Linh không hề uổng phí vì kinh nghiệm đánh máy bay B52 càng được bổ sung. Với quyết tâm, tiêu diệt bằng được máy bay B52, Trung đoàn tên lửa 238 đã dồn hết lực lượng cho Tiểu đoàn 84 thực hiện phương án đánh phục kích.
Bước sang giai đoạn tiếp theo, Trung đoàn 238 đưa Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 82 dự bị lên thay thế 2 Tiểu đoàn 81 và 83 phía trước. Tiểu đoàn 84 được bố trí ở khu tây (Nông trường cao su Quyết Thắng), Tiểu đoàn 82 bố trí ở khu đông Vĩnh Linh. Sử dụng lực lượng và phương án tác chiến là: Đánh độc lập từng tiểu đoàn, Tiểu đoàn 84 đánh trước, Tiểu đoàn 82 tạo thế đánh bất ngờ. Tuy nhiên, lúc này, yếu tố bất ngờ không còn nên chúng ta tiếp tục chịu những tổn thất nhất định, cả 4 tiểu đoàn hỏa lực đều bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, Chỉ huy Trung đoàn 238 buộc phải dồn toàn bộ lực lượng của Trung đoàn thành một bộ phận hoàn chỉnh đưa về Tiểu đoàn 84, bí mật triển khai trận địa; điều động Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên cùng sỹ quan điều khiển Lê Hỷ thuộc Tiểu đoàn 82 và một số chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 81 bổ sung cho Tiểu đoàn 84 chuyển sang thực hiện phương án đánh phục kích.
Thời điểm lịch sử, “pháo đài bay” bị tiêu diệt
15h30 ngày 17-9-1967, Mặt trận B5 thông báo sẽ có đợt máy bay B52 ra đánh Vĩnh Linh. Trung đoàn tên lửa 238 được lệnh sẵn sàng chiến đấu cấp I. Kíp trắc thủ của Tiểu đoàn 84 ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sỹ quan điều khiển lệnh cho các ra đa trinh sát hạ cao áp, mở ăng ten thu nhiễu và quản lý chặt chẽ không phận; ra đa điều khiển tên lửa thu nhiễu máy bay B52. Lúc này, trên màn hình hiện sóng của ra đa chỉ thị mục tiêu xuất hiện tín hiệu ở cự ly 50km về hướng tây nam có nhiễu mạnh. Bằng phương pháp so sánh khoa học cùng với những kinh nghiệm từ những trận đánh trước, kíp chiến đấu đã khẳng định đó là máy bay B52. Trên mặt sóng của các trắc thủ góc tà, cự ly, phương vị cũng hiện lên những giải nhiễu đậm, nhờ thế mà ra đa điều khiển tên lửa đã nhanh chóng xác định được máy bay B52 để bám sát mục tiêu chính xác. Đến cự ly 32km thì sóng phương vị xuất hiện tín hiệu máy bay B52 khá rõ. Phương pháp tiêu diệt máy bay B52 bằng cách điều khiển đón nửa góc, ngòi nổ vô tuyến, cự ly phóng 32km, 2 quả tên lửa, giản cách 6 giây đã được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên quyết đoán ra lệnh cho kíp chiến đấu.
Nhận lệnh, sỹ quan điều khiển Lê Hỷ ấn nút phóng 2 quả tên lửa nối đuôi nhau vọt lên không trung. Các trắc thủ điều khiển tên lửa đi đúng quỹ đạo. Khi tên lửa cách máy bay B52 10km thì cả 3 màn hình hiện sóng đều nhìn rõ tín hiệu máy bay B52. Hiệu chỉnh lại nhanh, chính xác, tên lửa nổ ánh chớp lóe lên tan ra như những hạt cát, lả tả trên màn hình hiện sóng. Mục tiêu chính thức bị tiêu diệt.
Cũng lúc này, đài quan sát của Mặt trận B5 thông báo máy bay Mỹ bốc cháy lao xuống phía vùng biển Cửa Việt. 30 phút sau đó, các chiến sỹ đảo Cồn Cỏ báo cáo với Ban chỉ huy Đặc khu Vĩnh Linh về việc máy bay B52 bốc cháy đâm sầm xuống biển. Quân và dân hai bên bờ sông Bến Hải vui mừng, phấn khởi khi nghe tin “pháo đài bay” của Mỹ bốc cháy trên bầu trời Quảng Trị.
Với sự kiên trì, dũng cảm, mưu trí và sáng tạo cùng với việc nghiên cứu từng động thái nhỏ của pháo đài bay B52, cùng với sự giúp đỡ của quân và dân Vĩnh Linh, Trung đoàn tên lửa 238 đã làm nên chiến tích: Lần đầu tiên bắn rơi máy bay B52 trên chiến trường Việt Nam. Thần tượng “siêu pháo đài bay” của Mỹ bị sụp đỗ.
Chiến thắng góp phần xoay chuyển cục diện chiến tranh
Trận địa tên lửa đặt tại Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị đã thể hiện sự đúng đắn trong việc lựa chọn địa điểm có vị trí chiến lược. Chiến thắng bắn rơi “pháo đài bay B52” ngày 17-9-1967 của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn tên lửa 238, Quân chủng Phòng không - Không quân có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm và khả năng đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh bằng không quân và Hải quân của Mỹ ra miền Bắc cũng như các cuộc phản công ở miền Nam. Bên cạnh đó, chiến thắng này đã góp phần xoay chuyển cục diện chiến tranh và hạ thấp uy thế của “Không lực Hoa Kỳ” nói chung và “Pháo đài bay B52” nói riêng”./.
Trần Thị Khánh Ly
Chú thích
1 Lý lịch di tích Quốc gia. Địa điểm trận địa tên lửa bắn rơi máy bay B52 đầu tiên ở Việt Nam. Tài liệu lưu tại Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị, năm 2008, tr. 5.
2 Phạm Quang Đẩu. Cuộc chiến với “pháo đài bay”. Tạp chí Sự kiện và nhân chứng. Số 238, tháng 4-2021, tr. 32.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN