Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 là một chiến thắng vĩ đại, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Chiến thắng thần thánh đó đã một lần nữa khẳng định truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc ta trong suốt bốn nghìn năm lịch sử.
Nhắc đến truyền thống anh hùng của dân tộc, nhắc đến chiến thắng 30-4-1975 vĩ đại, không thể không nói đến những đóng góp to lớn của tuyến đường Trường Sơn lịch sử với tên người, tên đất, tên núi, tên sông đã đi vào huyền thoại. Trong 16 năm tồn tại (1959 - 975), đường Trường Sơn đã phải gồng mình hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn trong hàng chục vạn trận đánh phá của quân Mỹ - ngụy. Sự hy sinh của quân và dân ta để đảm bảo huyết mạch thông suốt là vô cùng to lớn. Trong vòng gần 6000 ngày đêm ấy, biết bao những người lính trẻ, thanh niên xung phong và công nhân giao thông đã hy sinh trên tuyến đường này, hàng chục vạn tấn hàng, cùng xe vận tải, vũ khí đã bị đánh cháy, bị phá hủy và hư hỏng nặng. Tuy nhiên, sự đóng góp của tuyến đường Trường Sơn cho các chiến dịch: Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch 1972 và chiến thắng 30-4-1975 là không thể kể xiết.
Đường Trường Sơn là một mạng lưới đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km; 1 tuyến đường "kín" dài 3.140km. Hệ thống đường sông dài gần 500km. Trong đó, ngày 9-8-1964 là ngày đầu tiên Trung đoàn 98 đơn vị Anh hùng thực hiện mở đường cơ giới lên Trường Sơn. Đến ngày 25-10-1965, đoàn xe ô tô đầu tiên chở hàng vào chiến trường, mở đầu giai đoạn vận tải cơ giới trên Trường Sơn. Nhờ vào tuyến vận tải cơ giới, chúng ta đã vận chuyển hàng triệu lượt người thuộc các binh chủng, quân chủng, lực lượng vào chiến trường trên còn đường này. Hàng chục lượt sư đoàn, các quân đoàn chủ lực đã được vận chuyển cơ động vào chiến trường với thời gian thần tốc là 4 ngày thay cho 4 - 5 tháng trước đây. Mỗi nǎm bình quân chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng hóa: vũ khí, khí tài, lương thực, thuốc men, đạn dược trải qua một chặng đường có tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, chi viện kịp thời cho miền Nam tiền tuyến… Riêng nǎm 1974 có lượng hàng gấp 22 lần nǎm 1966. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân nǎm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 và 7 tuyến đường khác, có tổng chiều dài 2.577 km, sử dụng trên 1.000 xe.
Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn như thế, đường mòn Trường Sơn trở thành một bài ca bất hủ làm nức lòng muôn triệu trái tim hướng về Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất:
“Trường Sơn, Tây nắng, Đông mưa,
Ai chưa đến đó như chưa thấy mình”
Góp phần làm nên những kỳ tích và chiến công đó, hơn ai hết, chúng ta hiểu bên cạnh những chiến sỹ anh hùng, những cô thanh niên xung phong với tuổi đôi mươi sẵn sàng hy sinh cả xương máu, những chiến sỹ hậu cần, ngày đêm lo gạo, đạn cho những người cầm súng trên chiến trường. Và chúng ta cũng sẽ không quên những người bạn đã gửi những chiếc xe quý báu đến để chúng thay thế những chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó chính là những anh hùng cơ giới, những chiếc xe Zin 3 cầu.
Xe Zin 3 cầu hay Zil 157, Giải Phóng CA30 - những "chiến binh" chinh phục mọi địa hình, vượt qua bom đạn, đèo cao, sông suối, cùng bộ đội ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
"Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…"
Những câu thơ trong bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phần nào khắc họa được hình ảnh của những chiếc xe vận tải quân sự, những chiếc xe từng một thời ngang dọc Trường Sơn, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Bảo tàng Quảng Trị được khởi công xây dựng và năm 2000, khánh thành và đi vào đón khách tham quan vào năm 2008. Nhận thấy những giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của đường Trường Sơn cũng nhưng những đóng góp không nhỏ của những chiếc xe cơ giới và những phương tiện phục vụ, góp phần vào những chiến công vang dội trên khắp chiến trường, trong đó Khe Hó của Quảng Trị là một trong những điểm tập kết đầu tiên của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Trong quá trình xây dựng đề cương trưng bày, Ban lãnh đạo Bảo tàng Quảng Trị đã chỉ đạo cán bộ phải sưu tầm những chiếc xe Zin 3 cầu nhằm trưng bày giới thiệu đến với công chúng về lịch sử quân sự Việt Nam, lịch sử đường Trường Sơn. Sau một thời gian tích cực làm việc, các cán bộ sưu tầm đã đưa được 2 chiếc xe Zin, một được chuyển giao từ Quân khu 4 có số hiệu kiểm kê là 2580/KL959 và một chiếc được đưa từ khu vực thành cổ Quảng Trị với số hiệu kiểm kê 2580/KL959/1 về trưng bày tại không gian ngoài trời của Bảo tàng.
Zin 3 cầu hay còn gọi là Zil 157, Giải phóng CA 30 đây gần như là một sự kiện, một mốc son. Chiếc xe nhanh chóng trở thành người anh hùng trên đường Trường Sơn. Được sản xuất tại nhà máy ôtô mang tên Likhachốp, Zin 3 cầu có thiết kế với kích thước cơ sở: dài: 6,684m; rộng: 2,315m; cao: 2,36m, động cơ 5,6 lít, công suất 109 mã lực. Một đỉnh cao của công nghệ Xô Viết. Sau khi ra đời, chiếc Zil 157 đã đạt được “giải thưởng lớn” (grand prix) tại triển lãm ôtô quốc tế Bruxen (Bỉ) năm 1958. Chiếc Zil 157 được thiết kế chủ yếu là để trở thành xe tải chiến lược dùng cho quân đội Xô Viết, nhưng nó còn được dùng để lắp lên đó giàn cachiusa, kéo pháo... Hai bên thành xe có thể lắp ghế băng, chiếc xe có thể chở được từ 12 đến 16 lính với đầy đủ trang thiết bị. Là xe tải có trọng tải 3 tấn và vận hành trên mọi địa hình. Trên đường tốt, nó có thể kéo rơmoóc đưa khả năng chuyên chở lên tới 7 tấn rưỡi. Hơn thế nữa, một số phiên bản của nó còn được trang bị thiết bị tự bơm lốp xe ngay trong khi chạy. Chính điều đó đã làm cho chiếc xe có những ưu điểm tuyệt vời mà sau này nó đã thể hiện trên đường Trường Sơn. Một đặc điểm nữa không thể quên kể đến, đó là ở đầu xe có trang bị một bộ tời dẫn động thẳng từ động cơ nên nó có thể vượt qua những chặng đường khó khăn lầy lội nhất khi đơn độc tác chiến. Đúng với phương châm của nhà sản xuất là “đến đích bất chấp mọi khó khăn của điều kiện chiến tranh”.
Những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp ôtô. Tại “công trường ôtô đầu tiên” (faw) người ta đã sản xuất ra phiên bản “Chinese zil 157”, đó là chiếc “Giải Phóng CA 30”. Cả hai nước đều đã chuyển cho Việt Nam những chiếc xe của cả hai loại đó. Vì là bản copy dập khuôn nên hoàn toàn có thể dùng lẫn phụ tùng, cũng dễ dàng cho những người lính thợ Việt Nam khi hư hỏng cần sửa chữa. Hai bản Zil 157 và Giải phóng CA 30 trông hầu như giống nhau hoàn toàn ngoại trừ ba đờ sốc hình vuông thay vì hình tròn như chiếc Zil 157.
Trong một lần thăm Bảo tàng Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Cường - Chính trị viên đại đội 2, tiểu đoàn 54, binh trạm 41 đóng quân tại Đường 9 - Nam Lào rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy chiếc xe này, ông đã lên trần xe để kiểm tra lại vết tích và khẳng định với tôi rằng: “Chính chiếc xe này, trong những năm 1968 - 1969, trước tình hình thiếu lương thực của bộ đội miền Nam, xe chỉ được thiết kế chở 3 tấn nhưng chúng tôi đã chở lên đến 10 tấn để cứu đói cho bộ đội. Chiếc xe này trong một lần bị giặc truy kích, để cứu cả đoàn xe, đồng chí lái xe đã anh dũng một mình băng lên phía trước thu hút máy bay địch giúp đoàn xe phía sau trú ẩn an toàn, và đồng chí lái xe đã hy sinh khi bị trúng một viên đạn 12,7mm bắn từ trên máy bay xuyên qua trần xe. Sau sự kiện này bộ đội ta đã nghĩ ra cách dùng các thanh tre nứa lợp 2 lớp chồng lên nhau phía trên trần xe và hai bên cửa để chống đạn”.
Trải qua hàng vạn km trèo đèo, lội suối, qua ngầm dưới mưa bom, bão đạn, những chiếc xe Zin 3 cầu vẫn tồn tại ở đó như chứng minh, đây là những “người hùng việt dã” trong chiến tranh Việt Nam, góp phần vào công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của quân và dân ta.
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh thực sự ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một “kỳ tích của thế kỷ XX”. Những chiến công, kỳ tích ấy không chỉ thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.
Hồ Khánh Tâm
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Quốc Phòng. Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Năm 2004.
2. Lê Ngọc Tú. Con đường mòn bất tử - Hồ sơ đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Nhà xuất bản Lao động. Năm 2009.
3. Nhiều tác giả. Trường Sơn con đường huyền thoại. Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009.
4. Nhiều tác giả. Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử và dấu ấn. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Năm 2012.
5. Nhiều tác giả. Trường Sơn miền ký ức. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Năm 2009.
HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024
THÔNG BÁO XÉT TUYỂN VIÊN CHỨC SỰ NGHIỆP NĂM 2023
TẬP HUẤN KIỂM KÊ, SƯU TẦM, TƯ LIỆU HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Bộ Văn hóa ra Quyết định đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia: LỄ HỘI ARIÊU PIING CỦA NGƯỜI TÀ ÔI (PA CÔ) huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH SÊ KÔNG, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THANH NIÊN HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN CÔNG TÁC VIẾNG THĂM DI TÍCH LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU CẤP CAO TỈNH CHAMPASAK, NƯỚC CHDCND LÀO THĂM DI TÍCH ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC
ĐOÀN LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ DÂNG HƯƠNG, TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI DI TÍCH QUỐC GIA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
HỌP BÀN PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU TÔN TẠO DI TÍCH QUỐC GIA ĐÌNH LÀNG HÀ THƯỢNG
THÔNG BÁO DANH SÁCH THÍ SINH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN